Ngày 18-8, biểu tình tại Hong Kong chủ yếu diễn ra hòa bình dù quy mô lên tới khoảng 1,7 triệu người.
Theo các nhà khoa học chính trị và một số người biểu tình, việc thay đổi chiến lược này xuất phát từ hậu quả đợt biểu tình bạo lực ở sân bay quốc tế Hong Kong tuần trước.
Trong đợt biểu tình này, người biểu tình đã bị chỉ trích mạnh vì tấn công hai thanh niên từ Trung Quốc đại lục mà họ cho là mật thám của chính phủ Trung Quốc phái sang. Cuộc biểu tình bạo lực này cũng bị cảnh sát trấn áp mạnh. Năm ngày biểu tình ở sân bay đã khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy, ảnh hưởng đến lịch trình của hàng ngàn hành khách.
Nhân viên y tế cố gắng cứu một thanh niên Trung Quốc đại lục bị người biểu tình tấn công tại sân bay quốc tế Hong Kong ngày 13-8 vì nghi là mật thám. Ảnh: SCMP
Ngày 14-8, người biểu tình thừa nhận họ đã hành động thái quá khi tấn công các thanh niên Trung Quốc đại lục và xin lỗi về việc đã cản trở hoạt động sân bay.
“Cả thế giới hiện đang quan sát cuộc đấu tranh của chúng ta và không ai muốn nhìn thấy các cuộc xung đột bạo lực. Tôi cũng không muốn nhìn những người trẻ từ bỏ tương lai mình vì bảo vệ chúng ta” - SCMP dẫn lời anh Tonny Chan, một công dân Hong Kong 32 tuổi, nói.
SCMP dẫn ý kiến nhiều nhà quan sát cho rằng người biểu tình Hong Kong đã thay đổi chiến lược, tránh bạo lực để hạn chế khả năng bị nhà chức trách xử lý.
Nhà phân tích chính trị Ma Ngok tại ĐH Trung Quốc Hong Kong cho rằng sự thay đổi chiến lược của người biểu tình chủ yếu là phản ứng với chiến thuật của chính quyền và cảnh sát Hong Kong, trong đó có việc cho là cảnh sát trà trộn vào hàng ngũ người biểu tình.
“Sau những gì xảy ra tuần trước thì người biểu tình biết có nhiều do thám bên trong họ” - ông Ma Ngok nhận định.
Biểu tình tại Hong Kong ngày 18-8 quy mô tới khoảng 1,7 triệu người nhưng chủ yếu diễn ra hòa bình. Ảnh: SCMP
TS Edmund Cheng Wai tại ĐH Baptist Hong Kong cho rằng cuộc biểu tình hòa bình ngày 18-8 cho thấy người biểu tình đã có một “cơ chế phản tỉnh”.
“Những gì xảy ra tại sân bay đã vượt giới hạn ngay cả trong con mắt của truyền thông nước ngoài” - TS Edmund Cheng Wai nói.
Ngày 18-8, anh John Lee, một sinh viên 21 tuổi của ĐH Trung Quốc Hong Kong, nói với những gì xảy ra tại sân bay thì người biểu tình cần phải xem lại chiến lược của mình.
Trong ngày 18-8, một người biểu tình mặc áo đen, đội nón trùm đầu, mang một biểu ngữ đề nghị mọi người không nên vạch ra một lằn ranh giữa những người biểu tình cực đoan và những người biểu tình hòa bình.
“Với những ai ủng hộ các hành động phi bạo lực, giờ là lúc chúng ta tham gia biểu tình hòa bình. Cám ơn vì đã không bỏ rơi chúng tôi và là sự ủng hộ vững chắc của chúng tôi, dù các bạn có thể không hoàn toàn đồng ý với cách tiếp cận của chúng tôi” - SCMP đưa dòng chữ viết trên biểu ngữ.
Cuộc biểu tình ngày 18-8 tại Hong Kong diễn ra hòa bình, không giống cuộc biểu tình bạo lực tại sân bay vào tuần trước. Ảnh: SCMP
Theo TS Edmund Cheng Wai, biểu tình hòa bình sẽ làm khó chính quyền Hong Kong vì không thể xem đó là bạo lực và ra tay giải tán.
Ông nhận định người biểu tình sẽ tiếp tục chọn biểu tình hòa bình trong những ngày tới để giữ vững phong trào, tuy nhiên xung đột bạo lực vẫn có nguy cơ xảy ra.
“Nó cũng tùy vào tương tác của họ với cảnh sát” - theo TS Edmund Cheng Wai.
Theo nhà phân tích chính trị Ma Ngok, cuộc biểu tình hòa bình ngày hôm qua gửi một tín hiệu đến chính quyền Hong Kong và chính phủ Trung Quốc rằng người biểu tình Hong Kong sẽ theo đến cùng quan điểm của mình.