"Nếu họ không sử dụng bạo lực, chúng tôi sẽ không sử dụng vũ lực".
Đó là phản ứng của một cảnh sát viên cao cấp Hong Kong trước những cáo buộc từ những người biểu tình phẫn nộ cho rằng chính quyền đang sử dụng vũ lực quá mức để dập tắt các cuộc biểu tình gần đây, theo đài CNN.
Các cáo buộc về sự mạnh tay của cảnh sát đã làm gia tăng mức độ dữ dội của các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Được biết các cơ quan thực thi pháp luật phải bắn hơi cay vào đám đông, mỗi khi họ tuần hành phản đối.
Các sĩ quan khẳng định lực lượng cảnh sát thành phố, với khoảng 30.000 cảnh sát mặc đồng phục, đang kiểm soát tình hình tốt. Ảnh: CNN
Các cuộc biểu tình lần đầu tiên được châm ngòi vào ngày 9-6 để phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm tới các khu vực Hong Kong chưa ký hiệp ước, trong đó có Trung Quốc đại lục. Dù trưởng đặc khu Carrie Lam tuyên bố dự luật "đã chết", người biểu tình đòi bà phải từ chức.
Trước tình trạng bất ổn kéo dài hơn hai tháng, các sĩ quan cảnh sát đã mời một nhóm nhà báo đến trụ sở cảnh sát ở quận Wan Chai, Hong Kong. Ở đây, các chỉ huy cảnh sát đã nói rất nhiều, giải bày tất cả nỗi lòng với điều kiện danh tính được giữ kín.
Các cảnh sát đã giữ quan điểm về việc họ sử dụng vũ lực để phản ứng với những gì họ mô tả là bạo lực, hành vi tội phạm cũng như từ chối yêu cầu điều tra độc lập về việc xử lý tình huống của họ và cho biết một tổ chức có tên Hội đồng Khiếu nại cảnh sát độc lập được giao nhiệm vụ thực hiện công việc đó.
Lực lượng an ninh Hong Kong cũng tranh cãi về luận điểm của các quan chức hàng đầu của TP rằng Hong Kong đang mất kiểm soát, mặc dù họ thừa nhận cảnh sát đang mệt mỏi về mặt cảm xúc và thể chất sau nhiều tháng đối đầu với làn sóng biểu tình.
Các sĩ quan khẳng định lực lượng cảnh sát TP, với khoảng 30.000 nhân viên mặc đồng phục, đang kiểm soát tốt tình hình.
"Chúng tôi không được huy động đầy đủ. Chúng tôi vẫn có nguồn lực để triển khai tiếp" - một sĩ quan cao cấp nói, lập luận rằng chỉ một phần nhỏ các sĩ quan được triển khai để đối phó với các cuộc biểu tình đang nổ ra từng ngày.
Thông điệp này mâu thuẫn với phát ngôn trước đây của Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga).
"Hong Kong không an toàn hoặc ổn định. Những kẻ bạo loạn đã đẩy Hong Kong đến mức không thể quay lại" - bà nói với các nhà báo hôm 13-8, sau khi những người biểu tình đã khiến sân bay quốc tế Hong Kong đóng cửa và hủy hàng trăm chuyến bay.
Các chỉ huy cảnh sát đã thừa nhận danh tiếng của cảnh sát Hong Kong - từng có biệt danh là "Tốt nhất châu Á" - đã bị hủy hoại. Ảnh: CNN
Một số ít người biểu tình đã lên tiếng xin lỗi vì đã góp phần khiến mọi việc đi quá xa, đặc biệt là những gì xảy ra tại sân bay.
"Chúng tôi không thể tránh nó. Điều đó là không thể tránh khỏi bởi vì chúng tôi chiến đấu cho mục tiêu cuối cùng là tự do của chúng tôi" - một người nói.
Chính quyền trung ương ở Trung Quốc đại lục cũng ngày càng gia tăng cảnh báo về tình hình ở Hong Kong.
Hôm 14-8, phóng viên Matt Rivers của CNN đã nhìn thấy các xe vận tải quân sự, xe bọc thép và các sĩ quan của Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc (PAP), được trang bị khiên chống bạo lực và dùi cui tại Trung tâm Thể thao Vịnh Thâm Quyến, ở TP Thâm Quyến phía nam Trung Quốc, gần ranh giới với Hong Kong.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh hôm 15-8 cũng cảnh báo rằng nếu tình hình ở Hong Kong xấu hơn nữa, Trung Quốc sẽ có đủ giải pháp và đủ sức mạnh trong giới hạn của Luật Cơ bản để nhanh chóng dập tắt mọi bất ổn.
Đến thời điểm này, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy lực lượng an ninh Trung Quốc sẽ tiến vào lãnh thổ Hong Kong. Theo Luật Cơ bản của Hong Kong, chính quyền đặc khu được phép yêu cầu trợ giúp từ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), vốn có 6000 binh sĩ đồn trú tại Hong Kong.
Các sĩ quan cảnh sát Hong Kong cho biết rằng họ chưa bao giờ được đào tạo bên cạnh các lực lượng an ninh từ đại lục. Họ cũng cho biết cảnh sát Hong Kong thậm chí chưa bao giờ chuẩn bị cho một kịch bản sẽ bao gồm việc triển khai cảnh sát đại lục. Thay vào đó, các chỉ huy cảnh sát lập luận rằng họ có một loạt chiến thuật theo ý của họ để đối phó với những người biểu tình.
Một số trong những chiến lược đó đã kết hợp những bài học kinh nghiệm sau khi những người biểu tình ủng hộ dân chủ đã tổ chức một cuộc họp ngồi dài "Trung tâm chiếm đóng" kéo dài ba tháng tại trung tâm TP Hong Kong vào năm 2014.
Ngoài việc sử dụng hơi cay, cảnh sát cho biết đã mua ba phương tiện kiểm soát bạo loạn do Pháp sản xuất được trang bị vòi rồng, hiện vẫn chưa được sử dụng trong các vụ đụng độ lần nào, mặc dù đã mua về từ năm ngoái.
Các sĩ quan cảnh sát cấp cao cũng cho biết họ đã thành công trong việc bắt giữ một số kẻ bị cáo buộc cầm đầu với các hoạt động, nhờ vào sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát ngầm.
Sự xuất hiện của cảnh sát được ngụy trang thành người biểu tình đã gây ra sự phẫn nộ và hoang mang đối với những người biểu tình. Hôm 13-8, những người biểu tình đã bắt giữ và hành hung một du khách tại sân bay do nghi ngờ người này là cảnh sát ngầm.
Trong khi bày tỏ sự tự tin về cách xử lý tình huống của họ, các chỉ huy cảnh sát thừa nhận rằng các cuộc đối đầu đã ngày càng trở nên dữ dội. Họ nói rằng khoảng 1/3 trong tổng số khoảng 700 người bị bắt giữ là học sinh và sinh viên, thậm chí có một thiếu niên mới chỉ 13 tuổi.
Người biểu tình trong hơn một tháng qua đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về các cáo buộc lạm dụng bạo lực của cảnh sát, loại bỏ thuật ngữ "bạo loạn" khỏi tình trạng bất ổn và phóng thích những người biểu tình bị giam giữ.
Được biết tỉ lệ từ chức của cảnh sát đã tăng nhẹ trong hai tháng qua. Trong khi đó, các cuộc đụng độ liên tiếp với người dân đã ảnh hưởng tới sự nghiệp của nhiều cảnh sát. Đặc biệt, các chỉ huy cảnh sát nhấn mạnh người biểu tình đã công bố thông tin cá nhân của nhiều viên cảnh sát.
Các chỉ huy cảnh sát đã thừa nhận danh tiếng của cảnh sát Hong Kong - từng có biệt danh "Tốt nhất châu Á" - đã bị hủy hoại.