Họp báo Chính phủ: Nóng vụ lắp camera nhà riêng quan chức

Chiều nay (2-10), tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, báo chí đã đặt hàng loạt câu hỏi về các vụ việc nóng trong thời gian qua, đặc biệt là vụ dùng ngân sách lắp camera giám sát tại nhà riêng quan chức tại tỉnh Sóc Trăng.

Bài học về… noi gương

Nêu quan điểm về vụ việc này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay: "Việc Sóc Trăng chi tiền lắp camera, tất cả khoản chi tiêu cũng như chế độ chi tiêu tuân thủ theo quy định của luật ngân sách và định mức. Tuy nhiên, việc chi lắp đặt camera không thuộc hạng mục chi tiêu, Ban Thường vụ Sóc Trăng đã tiếp thu báo chí, đã hoàn trả và nghiêm túc rút kinh nghiệm”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Trả lời thêm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói: “Trước hết chúng ta phải nhìn nhận việc lắp hệ thống camera nhà riêng, các khu công cộng, trường học, bệnh viện, đường phố… là giải pháp tích cực để góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, an ninh dân phố... Nhưng trong quá trình thực hiện, việc dùng ngân sách nhà nước để chi lắp đặt cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy là không đúng”.

Ông Dũng cho hay khi nhận được thông tin báo chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã họp khẩn cấp, rất khẩn trương và thái độ nghiêm túc, ban hành quyết định hủy, quyết định thu hồi số tiền đã cấp từ ngân sách cho gia đình cá nhân cán bộ Tỉnh ủy. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng họp yêu cầu kiểm điểm các cá nhân liên quan và báo cáo các cơ quan trung ương.

“Chúng ta thấy rằng đây là bài học rút kinh nghiệm chung. Trong chỉ đạo, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ chúng ta luôn thắt chặt vấn đề kỷ luật chi ngân sách nhà nước, chi tiêu hiệu quả đúng mục đích, đúng nhiệm vụ...

Đặc biệt, khi chúng ta đang thực hiện Quyết định 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, đặc biệt các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng... trong gương mẫu, đây là việc cần gương mẫu, chứ không chỉ rút kinh nghiệm và phải kiểm điểm các cá nhân có liên quan. Đây là bài học không đúng, một lần nữa phải cám ơn các cơ quan báo chí, người dân cũng thường xuyên theo dõi giám sát, giúp đỡ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở địa phương. Nếu không có thông tin như vậy, chắc chúng ta không thể biết được” - ông Dũng nói.

Vụ chín người bỏ trốn tại Hàn Quốc công an đang làm rõ

Liên quan đến vụ việc chín người đi theo đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội bỏ trốn tại Hàn Quốc, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô thông tin: “Về vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Bộ KH&ĐT đã có trả lời ban đầu. Về phần mình, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, kết quả cụ thể chúng tôi sẽ thông báo tới các cơ quan”.

Còn đại diện Bộ KH&ĐT thì khẳng định việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hoạt động bên lề các đồng chí Đảng và Nhà nước đoàn đi nước ngoài là việc hết sức đúng đắn. Quá trình thực hiện đã thẩm tra chặt chẽ, theo quy định có nhiều cơ quan cùng thẩm tra, trong đó có Bộ Công an, Tổng cục Cảnh vệ…

“Tuy nhiên, đoàn Hàn Quốc vừa rồi để xảy ra sự việc đó là hết sức đáng tiếc, mặc dù đây là lần đầu tiên và rất nghiêm trọng. Ở góc độ Bộ KH&ĐT, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đoàn chúng tôi thấy có trách nhiệm trong này, chúng tôi đã tổ chức rút kinh nghiệm và rà soát lại quy trình lựa chọn các doanh nghiệp tham gia đoàn và rà soát để làm sao siết chặt việc tổ chức đoàn chặt chẽ và chọn lựa đoàn phù hợp.

Việc này là không thể lường trước được, chúng tôi đã có kiểm điểm trách nhiệm, phát hiện sai phạm trong việc lựa chọn sẽ xử lý theo đúng quy định. Không công bố danh tính là do các cơ quan chức năng Việt Nam và Hàn Quốc đang điều tra, nhưng đến thời điểm này chưa có thẩm quyền để cung cấp. Khi nào có đầy đủ thông tin và được cơ quan thẩm quyền cho phép, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin” - vị này nói.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm do tổng thầu chưa cấp hồ sơ 

Liên quan đến việc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ do tổng thầu không hoàn tất các công việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay hiện dự án còn 1% khối lượng công việc, trong đó có công tác chỉnh trang, mỹ quan, hệ thống bán vé tự động, thiết bị thông tin…

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT.

“Đặc biệt là tồn tại lớn nhất do tổng thầu (Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ quản lý chất lượng nên tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống (Công ty tư vấn ACT của Pháp) chưa đủ cơ sở xác định mức độ an toàn của hệ thống và điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định, đưa đoàn tàu vào khai thác. Hiện chúng tôi đang yêu cầu cung cấp hồ sơ này” - đại diện Bộ GTVT cho hay.

Đại diện Bộ GTVT cũng cho hay hiện Bộ đang phối hợp với tổng thầu và Hà Nội để giải quyết các vướng mắc, sớm đưa tuyến đường vào vận hành. Mới đây Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra, chỉ đạo để giải quyết các vướng mắc tại tuyến đường sắt này, và các cơ quan chức năng đang triển khai các công việc cụ thể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm