Ngày 29-9, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên hủy án sơ thẩm vụ nguyên thượng úy CSGT ở TP.HCM gọi giang hồ đánh người vi phạm cự cãi đến chết để điều tra, xét xử lại. Như vậy sau ba năm, vụ án lại quay về điểm xuất phát của vòng tố tụng.
Cấp sơ thẩm điều tra chưa đầy đủ
Trước đó, xử sơ thẩm tháng 9-2016, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Phạm Sỹ Hoài Như (35 tuổi, nguyên thượng úy CSGT Công an quận Tân Bình) và Nguyễn Minh Chung (24 tuổi) cùng mức án 12 năm tù về tội cố ý gây thương tích (Điều 104 BLHS). Cùng tội này, ba bị cáo khác nhận mức án 5-11 năm tù. Tòa buộc các bị cáo liên đới bồi thường gần 150 triệu đồng thiệt hại và cấp dưỡng cho hai con của nạn nhân mỗi tháng 4 triệu đồng đến tuổi trưởng thành.
Sau phiên tòa này, bị cáo Như kháng cáo kêu oan, còn các bị cáo khác xin giảm án. Vợ nạn nhân kháng cáo yêu cầu chuyển tội danh đối với các bị cáo thành tội giết người (Điều 93 BLHS) và yêu cầu không cho bị cáo Như tại ngoại…
VKSND TP.HCM không có kháng nghị. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 29-9, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị tòa bác kháng cáo hai bên, tuyên y án sơ thẩm.
HĐXX phúc thẩm nhận định dù bị cáo Như kêu oan nhưng có các lời khai xác định Như phạm tội. Việc chưa tổ chức đối chất giữa các bị cáo, nhân chứng… là có sự thiếu sót. Về việc tử vong của nạn nhân, thương tích gây ra chưa được điều tra làm rõ. Cụ thể, bị cáo nào gây ra vết thương trên đầu người bị hại, gây án bằng gì. Việc điều tra thu thập chứng cứ vụ án chưa đầy đủ dẫn đến chưa xác định được hành vi phạm tội, đánh giá tính chất, mức độ đối với từng bị cáo.
Đồng thời, cấp sơ thẩm xác định có thiếu sót tư cách người tham gia tố tụng ở phía nạn nhân. Cụ thể, ngoài vợ ông Chín ra còn có cha mẹ ông là người đại diện hợp pháp theo quy định pháp luật. Cấp sơ thẩm mặc nhiên cho vợ ông Chín là người đại diện mà chưa triệu tập cha mẹ hoặc có văn bản ủy quyền của họ cho vợ nạn nhân. Việc thiếu sót này làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ dân sự mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.
Với những thiếu sót đó, cấp phúc thẩm không thể khắc phục nên phải hủy án để cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.
Bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như luôn cúi đầu tại tòa. Ảnh: HOÀNG YẾN
Ba năm quay lại từ đầu
Theo hồ sơ, khoảng 21 giờ 30 ngày 25-6-2014, tại khu vực trước đài tưởng niệm liệt sĩ, ngã tư Trường Trinh và Tân Kỳ-Tân Quý (phường 13, quận Tân Bình), tổ CSGT do Như làm tổ trưởng đã lập biên bản đối với ông Nguyễn Văn Chín. Do ông Chín có hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông nhưng không chịu ký biên bản và không đi về mà cự cãi lớn tiếng nên Như đã gọi điện thoại cho Chung đến.
Chung gọi điện thoại cho Phạm Thanh Kim Hạnh, Ngô Thành Vương và Trần Đức Vững đến. Đến nơi, Chung dùng điện thoại gọi cho Như hỏi có việc gì và sau đó Như ra gặp Chung, nói cho Chung nghe về ông Chín và nhờ Chung đánh dằn mặt, đuổi ông Chín về.
Sau đó Như đuổi ông Chín ra khỏi nơi tổ công tác làm việc để Chung tiếp xúc, dụ ông Chín đến gần nhà sách Nhân Văn trên đường Trường Chinh.
Tại đây, các bị cáo đã có hành vi dùng vũ lực tấn công ông Chín. Kết quả ông Chín bị thủng ruột non, đi cấp cứu tại BV Thống Nhất, được phẫu thuật khâu thủng ruột non và tử vong sau hai ngày.
Trong quá trình điều tra, công an đã thu thập được danh sách cuộc gọi ngay đêm xảy ra sự việc giữa bị cáo Như và Chung và xác định được Như đã gọi nhóm của Chung đến để đánh thị uy khiến ông Chín tử vong.
Tuy nhiên, từ trước đến nay Như phủ nhận việc trên và cho rằng chỉ nhờ Chung đến đưa ông Chín về nhà. Trong khi đó, Chung khai rằng Như gọi đến đánh dằn mặt ông Chín, không có chuyện đưa về. Ba bị cáo còn lại cũng thừa nhận việc đánh ông Chín đến chết.
Bản án sơ thẩm nhận định: Bị cáo Như là người đang thực thi công vụ nhưng bị cáo không làm đúng với chức trách, nhiệm vụ của mình do luật pháp quy định mà lại nhờ những đối tượng không có chức năng, nhiệm vụ thực hiện việc đánh người vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Việc làm này của bị cáo đã gây phẫn nộ cho gia đình nạn nhân, gây bất bình trong dư luận, làm mất lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật, gây xôn xao dư luận xã hội trong một thời gian dài, ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị của địa phương.
Do vậy, hành vi của các bị cáo ngoài hậu quả dẫn đến chết người còn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. Tuy nhiên, do thay đổi chính sách hình sự, BLHS 2015 không còn quy định tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” là tình tiết định khung tăng nặng như khoản 4 Điều 104 BLHS nên cần áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo. Từ đó, tòa áp dụng khoản 3 Điều 104 BLHS để xét xử đối với các bị cáo và tuyên các mức án như trên.
Sau phiên xử, dư luận cho rằng mức án này quá nhẹ, không đủ sức răn đe các bị cáo và đảm bảo công tác giáo dục, phòng ngừa chung cho xã hội.