Huy chương vàng cho Triều Tiên, ác mộng cho Mỹ-Nhật

Triều Tiên hoàn toàn xứng đáng giành được một trong những huy chương quan trọng nhất của kỳ Thế vận hội mùa đông 2018 này: huy chương vàng ngoại giao.

Đánh giá này không chỉ của một cựu bộ trưởng trong chính phủ Hàn Quốc mà cả nhiều chuyên gia chính trị. Tất cả họ đều đồng ý Triều Tiên đã tận dụng Thế vận hội như một phương tiện để đặt một chướng ngại ngăn cách giữa Hàn Quốc và Mỹ, cũng như để giảm áp lực trừng phạt đang đè nặng nước mình.

“Triều Tiên rõ ràng chiến thắng huy chương vàng. Phái đoàn và vận động viên của họ chiếm mọi sự quan tâm của truyền thông. Và em gái Kim Jonng-un thể hiện nụ cười trang nhã trước công chúng Hàn Quốc và thế giới. Dù chỉ trong chốc lát, Triều Tiên đã thể hiện mình như một quốc gia bình thường” – Cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-han thời gian 2012-2013 thừa nhận, hiện ông đang dạy ở đại học Hàn Quốc.

Cú bắt tay lịch sử của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và bà Kim Yo-jong tại lễ khai mạc Thế vận hội Pyeongchang ngày 10-2. Ảnh: YONHAP

Mọi việc diễn ra quá nhanh chỉ trong vòng một tháng sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khiến cả thế giới bất ngờ khi nói sẵn sàng tham gia Thế vận hội. Hai miền đã gấp rút nối lại đối thoại vốn bị ngưng hơn 2 năm để bàn chi tiết. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in quyết định hoãn tập trận chung với Mỹ, hoãn trừng phạt Triều Tiên trong thời gian diễn ra Thế vận hội.

Bà Kim Yo-jong trao thư của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Xanh ngày 10-2. Ảnh: YONHAP

Về phần mình, không những gửi vận động viên, đội cổ vũ và văn công, Triều Tiên còn đưa một phái đoàn cấp cao nhất trước nay sang Hàn Quốc. Hai nhân tố đặc biệt và là điểm nhấn quan trọng của chuyến đi lần này là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam, và em gái lãnh đạo Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong.

Mỹ không yên

Theo Reuters, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã phải trải qua một trong những thời điểm cô đơn dài nhất trong lịch sử chính trị gia của mình. Thời khắc này xảy ra tại lễ khai mạc Thế vận hội. Ông Pence được sắp xếp ngồi giữa Tổng thống Moon và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, và ngồi trước bà Kim chỉ một hàng ghế.

Ông Pence đã yên lặng, không tỏ thái độ gì khi Tổng thống Moon và bà Kim chào hỏi vui vẻ và có cú bắt tay lịch sử. Ông Pence cũng ngồi yên khi đoàn VĐV liên Triều cùng diễu hành vào sân vận động dưới lá cờ thống nhất, trong khi Tổng thống Moon, bà Kim và cả khán đài đứng lên cười tươi vẫy chào.

Vợ chồng Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngồi yên khi lãnh đạo các nước khác đứng lên vẫy chào đoàn VĐV liên Triều diễu hành tại lễ khai mạc Thế vận hội Pyeongchang ngày 10-2. Ảnh: YONHAP

Trước khi đến Hàn Quốc dự lễ khai mạc Thế vận hội ông Pence nói Triều Tiên lợi dụng Thế vận hội để tuyên truyền, khẳng định không có “khoảng trống nào” giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật, tuyên bố sẽ tiếp tục trừng phạt nặng Triều Tiên. Trả lời phỏng vấn NBC vài tiếng trước khi lễ khai mạc bắt đầu ông Pence khẳng định sẽ không nhượng bộ và Mỹ vẫn bảo lưu mọi phương án đối phó Triều Tiên.

Ác mộng cho Nhật

Không chỉ có Mỹ bất mãn với diễn biến bất ngờ và quá nhanh trong quan hệ liên Triều, mà cả Nhật. Có thể thấy rõ thái độ không thoải mái của Thủ tướng Abe trong thời gian diễn ra lễ khai mạc Thế vận hội, khi ông ngồi gần ông Pence.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) ngồi cạnh Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại lễ khai mạc Thế vận hội Pyeongchang ngày 10-2. Ảnh: YONHAP

Trong cuộc gặp ông Moon trước đó ông Abe còn yêu cầu Hàn Quốc nhanh chóng khôi phục các cuộc tập trận chung với Mỹ - và đã bị ông Moon bác bỏ, rằng đây là chuyện nội bộ và yêu cầu của Nhật vi phạm chủ quyền của Hàn Quốc. Nhật không tham gia các cuộc tập trận chung này, nhưng Nhật phụ thuộc rất lớn vào sức bảo vệ của Mỹ khi nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.

“Diễn biến này có thể đoán được, nhưng với Nhật thì đó là một viễn cảnh ác mộng. Triều Tiên đang khéo léo đặt một cái nêm vào giữa Mỹ, Nhật và Hàn Quốc” – theo Giáo sư chính trị quốc tế Takashi Kawakami tại đại học Takushoku (Nhật).

Từ trái sang): Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach, ông Kim Yong-nam, bà Kim Yo-jong chụp ảnh cùng đội VĐV liên Triều tại trung tâm khúc côn cầu Kwandong ở TP Gangneung, tỉnh Gangwon. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó theo một quan chức quốc phòng cấp cao Nhật, chiến dịch hòa bình Thế vận hội của Triều Tiên có thể “đơn giản chỉ là một cách trì hoãn thời gian” đến khi nước này hoàn thành phát triển hạt nhân-tên lửa.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) trò chuyện với bà Kim Yo-jong trước khi buổi trình diễn của đoàn nghệ thuật Triều Tiên bắt đầu, tại Seoul tối 11-2. Ảnh: YONHAP

Mỹ chờ đợi “hậu Thế vận hội”

Tại Rome (Ý) ngày 11-2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhận định còn quá sớm để nói chuyện cải thiện quan hệ liên Triều có kéo dài sau khi Thế vận hội kết thúc hay không. Ông Mattis cũng khẳng định chẳng có “cái nêm” nào giữa Mỹ và Hàn Quốc cả.

Đoàn VĐV liên Triều diễu hành tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông 2018 tại Pyeongchang (Hàn Quốc) tối 9-2. Ảnh: CNN

Theo một quan chức Mỹ không nêu tên, điều quan trọng hơn hình ảnh hòa giải những ngày qua là Triều Tiên sẽ thể hiện thế nào sau Thế vận hội, khi tới giờ Triều Tiên không thể hiện gì rằng mình quan tâm yêu cầu từ quốc tế về thương lượng từ bỏ hạt nhân-tên lửa.

Douglas Paal, nhà cựu ngoại giao cấp cao Mỹ từng phục vụ trong các chính phủ Cộng hòa trước thừa nhận Triều Tiên đã thành công khi gắn liền cảm xúc hòa giải với cảm xúc kỳ Thế vận hội mang lại. Tuy nhiên ông Moon sẽ không dễ giữ được đà hòa giải này một khi Mỹ, Nhật và cả thành phần bảo thủ tại Hàn Quốc kéo ông về với thực tại đe dọa hạt nhân Triều Tiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới