Hôm qua (30-6), hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Liên minh châu Âu (EU) cho biết trước tình trạng khẩn cấp và hỗn loạn tại Hy Lạp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã đưa ra lời đề nghị “ở phút 90” trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ. Mỹ cũng đang tỏ ra sốt ruột trong việc giải quyết khủng hoảng Hy Lạp, vốn không chỉ tác động tiêu cực đến nội bộ EU hay riêng lĩnh vực kinh tế.
Hỗn loạn chưa từng thấy
Ngay cả những người ít để ý nhất về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp cũng không thể làm ngơ trước hàng loạt thông tin về tình trạng hỗn loạn tại Hy Lạp nói riêng và EU nói chung được các hãng thông tấn báo chí lớn của thế giới cập nhật liên tục trong những ngày qua.
“Ngày thứ Hai đen tối” (29-6) bắt đầu khi Athens yêu cầu đóng cửa hàng loạt ngân hàng trong vòng sáu ngày, thị trường chứng khoán cũng bị tê liệt, dân chúng hoang mang và đau khổ khi chỉ rút được hơn 60 USD/mỗi ngày tại các máy ATM vì chính phủ lo lắng hàng loạt ngân hàng sẽ sụp đổ.
“Mây đen” đã mở màn cho một tuần lễ mang tính quyết định số phận của Hy Lạp tại EU vốn nổi tiếng là bền vững và gắn kết chặt chẽ.
Hy Lạp sẽ phải trả 1,6 tỉ euro cho Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 30-6 (giờ địa phương), ngay sau khi chương trình cứu trợ đối với quốc gia này trong thời gian qua kết thúc - điều mà các chuyên gia nhận định là bất khả thi với một Hy Lạp cạn kiệt như hiện nay, lại bị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kiên quyết từ chối tăng nguồn tiền viện trợ khẩn cấp.
Vậy nên dù Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Kotzias tuyên bố rằng “Hy Lạp sẽ không rời khỏi eurozone” nhưng hãng xếp hạng tín dụng Standards & Poor’s vẫn xác định có 50% khả năng Hy Lạp sẽ phải rời khối đồng euro; trong khi hãng tin Reuters cho biết có đến hơn 70 chuyên gia kinh tế thế giới dự báo có 45% khả năng Hy Lạp rời khu vực đồng euro, dù trước đó một tuần thì con số này chỉ nằm ở mức 30%.
Tờ Washington Post (Mỹ) mô tả dân chúng không chỉ nao núng rút tiền càng sớm càng tốt mà còn lo lắng khi các mặt hàng nhu yếu phẩm nhập khẩu, năng lượng đang bị đe dọa thiếu hụt khi chính phủ Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ “sạch tiền” và vỡ nợ.
Như vậy, dù kịch bản “vỡ nợ” có xảy ra hay không thì một thảm họa nhân đạo (thiếu tiền mặt chi tiêu khẩn cấp, thiếu hụt nhu yếu phẩm, hỗn loạn xã hội,…) là điều mà chính quyền Athens buộc lòng phải lo lắng.
Thảm họa nhân đạo (thiếu tiền mặt chi tiêu khẩn cấp, thiếu hụt nhu yếu phẩm, hỗn loạn xã hội,…) là điều mà chính quyền Athens buộc lòng phải lo lắng. Ảnh:MAASTRICHT-STUDENTS
Không thể “thắt lưng buộc bụng” Athens
Đến “phút 90” của cuộc khủng hoảng, hôm 30-6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã đưa ra đề nghị nhằm ngăn chặn nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ. Đồng thời, chủ tịch Jean-Claude Juncker yêu cầu Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras viết giấy trả lời đồng ý những đề nghị của EC trong ngày 30-6 để kịp thời gian bộ trưởng tài chính của các nước khối đồng euro họp khẩn ở Brussels (Bỉ).
Không chỉ lãnh đạo EU, các quốc gia đầu tàu của khối liên minh được ví von là “siêu quốc gia” này như Pháp, Đức cùng với siêu cường thế giới Mỹ cũng ra sức vận động hỗ trợ và giữ Hy Lạp lại khối eurozone.
Trong cuộc trao đổi qua điện thoại, Thủ tướng Đức Angela Merkel và ông chủ Nhà Trắng Barack Obama khẳng định việc giúp Hy Lạp tiếp tục ở lại khối đồng euro “là cực kỳ quan trọng”.
Tờ Washington Post còn cho hay trước tình thế cấp bách của Hy Lạp, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 29-6 cũng tổ chức cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các đảng chính trị tại Đức.
“Đây là một bước đi hiếm thấy chỉ có trong các thời điểm trọng đại của quốc gia” - Washington Post nhận định. Thủ tướng Pháp Manuel Valls, trong một phát biểu trên truyền hình, nhấn mạnh rằng: “Chúng ta phải làm mọi thứ để Hy Lạp ở lại với khối đồng euro”.
Tuy nhiên, cho đến cận giờ “vỡ nợ”, Hy Lạp vẫn chưa có các dấu hiệu nhượng bộ hay chấp thuận các yêu cầu từ phía chủ nợ và các đơn vị đề nghị viện trợ khẩn cấp. Phát biểu trên truyền hình vào hôm Chủ nhật (28-6), Thủ tướng Alexis Tsipras cho biết: “Quyết định không kéo dài viện trợ tài chính mới là một sự xúc phạm đối với Hy Lạp và đó cũng là nỗi nhục nhã chung của châu Âu”. Ông còn cho biết ông đang tìm cách nới rộng gói cứu trợ từ châu Âu qua hết ngày 30-6 để tránh nguy cơ vỡ nợ.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras quyết định trưng cầu dân ý về các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà các tổ chức cho vay đòi hỏi. Dù vậy ông Alexis Tsipras vẫn tuyên bố ủng hộ chính sách chống thắt lưng buộc bụng - kỳ vọng của người dân Hy Lạp với chính quyền của vị thủ tướng trẻ này.
Thế nên ngay cả khi chính quyền Hy Lạp đang cân nhắc yêu cầu từ các bên cho vay, theo Reuters dẫn lời một quan chức Athens thì ông Tsipras vẫn tuyên bố “tôn trọng ý kiến của người dân” và sẽ nói không.
Cũng không thể ép Hy Lạp ra khỏi eurozone
Trước thái độ cứng rắn của Hy Lạp, hãng tin Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố nếu Athens vẫn cố gắng nói “không” với thỏa thuận cứu trợ tài chính, nước này mặc nhiên chấp nhận từ bỏ khối đồng euro. Tuy nhiên, dù không chấp nhận các yêu cầu “thắt lưng buộc bụng” từ phía các chủ nợ, Hy Lạp vẫn tuyên bố không bỏ cuộc bằng việc rời khỏi EU.
Trong cuộc gặp gỡ hôm 30-6, Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Kotzias thông báo với Đại sứ Trung Quốc tại Hy Lạp Zou Xiaoli rằng Hy Lạp sẽ không rời khỏi eurozone. Quan điểm này cũng được Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis khẳng định vào hôm 30-6: “Hy Lạp không có ý định bỏ cuộc và không thể bị ép buộc rời khỏi liên minh”.
Tờ Washington Post cho biết thêm đa số các nghị sĩ chính phủ Hy Lạp đều đồng ý muốn giữ đồng euro cùng với tư cách thành viên “lão làng” trong suốt 35 năm của nước này trong Liên minh châu Âu.
Việc “đẩy” Hy Lạp ra khỏi hệ thống eurozone là một điều không hề đơn giản, nhất là khi về lý, ngay cả hiệp ước tạo ra khu vực đồng euro 19 thành viên hiện nay cũng như thỏa thuận ràng buộc 28 quốc gia thành viên của EU không hề có quy định trục xuất bất cứ quốc gia nào, cũng chưa từng có tiền lệ.
Trong cấu trúc xây dựng đồng tiền chung euro, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhấn mạnh rằng đồng tiền này sẽ có hiệu lực vĩnh viễn với tất cả thành viên. Một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp là chuyện gì sẽ xảy ra nếu một nước thành viên phá vỡ các quy tắc bằng cách rời khỏi liên minh.
Đó là chưa kể hình ảnh khối EU và đồng tiền chung euro từ lâu đã trở thành niềm tự hào chung của khối cộng đồng này. Thậm chí còn là hình mẫu theo đuổi của một số tổ chức khu vực.
Việc Hy Lạp rời khỏi EU, dù vì bất kỳ lý do nào, sẽ không chỉ đơn giản như chuyện “một con kiến rời khỏi bầy”, mà còn đánh mạnh vào tính thống nhất theo kiểu “siêu quốc gia” mà EU từ lâu đã hướng tới và xây dựng.
Tạo ra tiền lệ Hy Lạp đồng nghĩa với việc chấp nhận một EU có thể “thoái trào” trong tương lai. Cuộc xung đột giữa việc giữ Hy Lạp ở lại hay để Hy Lạp ra khỏi eurozone đang đẩy Liên minh châu Âu vào thế lấp lửng về pháp lý lẫn uy tín tổ chức và không ai có thể dự đoán được những gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Nga, Trung Quốc xích lại gần Hy Lạp Trong khi châu Âu đang tạo sức ép với Athens thì Nga ngỏ lời cho Hy Lạp vay đồng thời kêu gọi hòa giải cho xung đột tại Ukraine. Nội các Hy Lạp cũng có dấu hiệu nghiêng về phía Nga. Điều này có thể dẫn tới sự chấm dứt cấm vận của EU lên Nga nhờ quyền phủ quyết trong hệ thống đồng thuận chung của EU. Trước đó, Hy Lạp tuyên bố không đồng thuận EU “tấn công” kinh tế Nga. Trong khi đó, trong cuộc gặp gỡ hôm 30-6, Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Kotzias nói với Đại sứ Trung Quốc tại Hy Lạp Zou Xiaoli rằng: “Hy Lạp sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để phát triển quan hệ song phương”. |