Iran tuyên bố sẽ trả đũa việc Mỹ giết Thiếu tướng Qasem Soleimani - Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Tổng thống Mỹ Donald Trump phản pháo nếu Iran làm điều này thì sẽ phải hứng sự đáp trả áp đảo của Mỹ. Tuy nhiên, theo nhà phân tích quân sự Scott Ritter, xét về toàn cục khu vực thì Iran có cơ sở để thực hiện đe dọa của mình nhưng Mỹ thì không - ngoại trừ Mỹ dùng tới vũ khí hạt nhân của mình.
Hai mục tiêu tiềm năng của Iran và Mỹ: Máy bay ném bom B-52 của Không quân Mỹ tại căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar (trái) và cơ sở sản xuất uranium Fordow ở tỉnh Qom (Iran). Ảnh: REUTERS và AFP
Scott Ritter là cựu sĩ quan tình báo của Quân chủng Thủy quân Lục chiến Mỹ, từng là một thanh sát viên thi hành Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) tại Liên bang Xô viết, từng phục vụ dưới trướng Đại tướng Schwarzkopf - Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung Đông của Mỹ - trong chiến tranh vùng Vịnh và là một thanh sát viên vũ khí của Liên Hiệp Quốc.
Theo đài RT, sau cái chết của Tướng Soleimani, Tướng Không quân - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan tuyên bố: “Chúng tôi sẽ có phản ứng sáng suốt, cân nhắc kỹ, đúng lúc và có tác dụng ngăn chặn quyết liệt. Nước Mỹ đã khơi mào chiến tranh. Vì thế họ nên nhận các phản ứng tương thích với hành động của mình. Điều duy nhất có thể chấm dứt thời khắc chiến tranh này là người Mỹ nhận một cú đánh tương đương tai họa họ đã gây ra”.
Tướng Dehghan là nhân vật cấp cao và một trong số ít người ra quyết định chính của IRGC trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq. Sau đó ông Dehghan được đề cử làm Tư lệnh Không quân của IRGC, và rồi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Iran. Hiện Tướng Dehghan đang là cố vấn đặc biệt của lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei. Cho nên phát ngôn của Tướng Dehghan có thể xem là suy nghĩ của lãnh đạo Khamenei.
Iran nắm mọi quân bài
Nếu đánh giá kỹ tuyên bố của Tướng Dehghan và động thái Quốc hội Iraq bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu các lực lượng nước ngoài rút quân, thì có thể hình dung được Iran sẽ làm gì sắp tới.
Trước hết, phải khẳng định rằng phản ứng của Iran sẽ không do các lực lượng được ủy quyền thực hiện. Vụ tấn công nếu có xảy ra thì sẽ do chính quân đội Iran tiến hành. Đó có thể là tấn công và các cơ sở hạ tầng dầu khí của Mỹ ở các nước đồng minh Ả Rập ở vùng Vịnh, tương tự như vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia hồi tháng 5. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với các tàu dầu di chuyển qua eo biển chiến lược Hormuz, cũng như với các cơ sở ngoại giao của Mỹ ở khu vực.
Iran sẽ không tấn công lực lượng Mỹ hiện đang đóng ở Iraq, vì buộc phải tôn trọng thỏa thuận chính phủ, Quốc hội Iraq đã ký với các lực lượng nước ngoài. Nhưng điều này không có nghĩa lính Mỹ và các cơ sở của Mỹ ở Iraq không bị đe dọa. Cùng thiệt mạng với Tướng Soleimani còn có nhân vật Abu Mahdi al-Muhandis - thủ lĩnh nhóm dân quân Khaitab Hezbollah thân Iran. Đây là nhóm đã thực hiện vụ tấn công vào căn cứ quân sự K1 của Mỹ ở Iraq trước đó, và sau cái chết của thủ lĩnh thì nhóm này thề sẽ tự mình thiết kế một vụ trả đũa, không liên quan đến chuyện trả đũa của Iran.
Ngoài ra, có rất nhiều mục tiêu quân sự của Mỹ ở khu vực vịnh Ba Tư mà trong mắt Iran nếu xét về quy mô thì đủ quan trọng để trở thành “một cú đánh tương đương” việc Mỹ sát hại Tướng Soleimani. Và ba trong số các mục tiêu này nổi lên là lực lượng Mỹ đóng quân ở Kuwait, trụ sở chính của Hạm đội 5 Hải quân Mỹ ở Bahrain, căn cứ không quân Al Qdeid ở Qatar.
Al-Udeid là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong khu vực. Ảnh: REUTERS
Trong ba mục tiêu này thì căn cứ không quân Al Qdeid có liên hệ trực tiếp đến việc ám sát Tướng Soleimani - các máy bay không người lái phóng tên lửa giết nhân vật này xuất phát từ căn cứ này.
Al-Udeid là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong khu vực. Từ căn cứ này, Bộ Chỉ huy miền Trung Mỹ đã tiến hành các đợt không kích nhằm tiêu diệt lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, Iraq và Afghanistan. Căn cứ này nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo của Iran.
Mỹ có gì?
Trong khi đó, thực lực của Mỹ tại khu vực không mạnh bằng, dù Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố trên Twitter sẽ không dung thứ cho bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào nhân sự và cơ sở của Mỹ.
Tuy nhiên theo nhà phân tích Ritter, đe dọa của ông Trump không đủ sức mạnh. Điều dễ thấy nhất, đe dọa sẽ phá hủy các cơ sở văn hóa của Iran đã bị Bộ Quốc phòng Mỹ bác bỏ, vì luật chiến tranh không cho phép.
Hồi tháng 5 ông Trump đe dọa sẽ trả đũa quân sự lớn khi Iran bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ ở eo biển Hormuz. Thời điểm đó các lãnh đạo quân sự cảnh báo với ông Trump rằng nếu Mỹ tấn công các mục tiêu bên trong Iran thì sẽ không đủ tài lực để kham được một cuộc xung đột toàn diện một khi Iran trả đũa.
Nói ngắn gọn, Iran có thể gây tổn hại lớn cho các mục tiêu của Mỹ và đồng minh ở Trung Đông, và Mỹ khó có thể ngăn chặn khả năng này.
Thử hình dung cán cân quân sự của Mỹ và Iran. Nếu Iran tấn công các cơ sở Mỹ như căn cứ Al Udeid, và ông Trump chỉ đạo đáp trả, Iran khả năng lớn sẽ huy động toàn bộ khả năng quân sự của mình cũng như của các lực lượng mình bảo trợ ở khu vực để phá hủy các mục tiêu quân sự và kinh tế của Mỹ và đồng minh. Đó có thể là các cơ sở dầu ở Kuwait, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, kể cả các cơ sở quân sự và phái bộ ngoại giao của Mỹ.
Nhìn theo bối cảnh đó có thể thấy các đe dọa của ông Trump chỉ gói gọn trong ngôn từ, không tương thích với thực tế, theo nhà phân tích Ritter.
Bên trong cơ sở làm giàu uranium Fordo ở tỉnh Qom (Iran). Ảnh: AFP
Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn thì Mỹ có một vũ khí đáng sợ mà Iran phải dè chừng, đó là vũ khí hạt nhân.
Ngày 5-1, Iran tuyên bố chấm dứt tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân ký với nhóm P5+1, trong đó có việc dỡ bỏ mọi giới hạn làm giàu uranium.
Theo đó Iran sẽ tái khởi động làm giàu uranium với mức độ có thể sản xuất vũ khí hạt nhân. Và bối cảnh này đã vô tình đưa Iran vào thế có thể hứng một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu từ Mỹ, để ngăn Iran có được vũ khí hạt nhân. Và bom hạt nhân B-61 có thể làm được điều này.