Tác giả Nguyễn Đức Hiệp là người sinh trưởng ở Sài Gòn nhưng qua Úc từ năm 1974 theo quỹ học bổng Colombo. Hiện ông là chuyên gia khoa học về khí quyển ở Bộ Môi trường và di sản tiểu bang New South Wales, Úc. Từ nhiều năm qua ông làm việc và cộng tác với các nhà nghiên cứu Việt Nam trong vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và bảo tồn di sản văn hóa. Ông có nhiều bài viết về lịch sử, khoa học, văn hóa trên nhiều tạp chí chuyên môn, báo phổ thông trong và ngoài nước. Có lẽ do nhiều năm làm công tác nghiên cứu khoa học ở nước ngoài như thế nên điều đầu tiên nhận thấy là bộ sách Sài Gòn Chợ Lớn đã được tác giả sắp xếp các phần, các đề mục một cách hợp lý, dễ theo dõi và đưa ra một nguồn tư liệu tra cứu trong và ngoài nước dày đặc, đáng tin cậy sau mỗi đề mục.
Tập 1 bộ sách có nhan đề Sài Gòn Chợ Lớn qua những tư liệu quý trước 1945. Ở đây, lịch sử Sài Gòn Chợ Lớn được dẫn từ thời tiền sử đến tận đầu thế kỷ 20. Quyển sách trình bày kỹ càng từ địa thế vùng đất Sài Gòn Chợ Lớn xa xưa, rồi trải qua các vương quốc Phù Nam, Chân Lạp - đế quốc Angkor… Qua đó, người đọc sẽ rõ hơn quá trình hình thành Sài Gòn Chợ Lớn hôm nay; các sinh hoạt tôn giáo, giáo dục đình chùa miếu mạo, nhà thờ; quá trình hình thành Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử, Bến Bình Đông, Bến Bình Tây: Hoạt động mua bán, kỹ nghệ lúa gạo vùng này ra sao…
Tập 2 bộ sách có tên Sài Gòn Chợ Lớn: Ký ức đô thị và con người với nhiều câu chuyện thú vị về công trình và các nhân vật nổi tiếng một thời. Đó là các câu chuyện về hệ thống xe lửa, xe điện công cộng ở Sài Gòn Chợ Lớn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Đường Catinat, đại lộ Charner, đại lộ Bonard cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thương xá Tax; lịch sử người Minh Hương và người Hoa ở Nam Bộ.
Bên cạnh đó là những câu chuyện về các nhân vật lừng lẫy của Sài Gòn Chợ Lớn thời Pháp thuộc như Tổng đốc Phương; nhà kỹ nghệ và doanh nghiệp Việt Nam Trương Văn Bền; các nhân vật Chợ Lớn: bá hộ Xường, Quách Đàm và Tạ Mã Điền. Thêm nữa là những câu chuyện lý thú về người nước ngoài ở Sài Gòn Chợ Lớn như cộng đồng người Đức ở Sài Gòn khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ; câu chuyện về hoàng tử Miến Điện Myingun lưu vong ở Sài Gòn...