Kéo dài thời gian đóng cửa sân bay Vân Đồn đến 13-2

Chiều 28-1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký quyết định đóng cửa tạm thời sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) bắt đầu từ 12 giờ ngày 29-1 đến 12 giờ ngày 13-2. Việc tạm đóng cửa sân bay Vân Đồn để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Tạm đóng cửa sân bay Vân Đồn
Trước đó, do tình trạng khẩn cấp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Cảng vụ hàng không miền Bắc ra quyết định tạm đóng cửa sân bay Vân Đồn từ 12 giờ ngày 28-1 đến 12 giờ ngày 29-1. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ có thẩm quyền tạm đóng cửa sân bay trong vòng 24 giờ, nếu dài hơn phải do Bộ GTVT quyết định.
Theo đại diện sân bay Vân Đồn, hiện nay toàn bộ gần 300 cán bộ, nhân viên, bao gồm 159 nhân viên Cảng hàng không Vân Đồn và nhân viên của các đơn vị khác làm việc tại sân bay đã và đang được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Đợt xét nghiệm đầu tiên diễn ra vào 4 giờ sáng 28-1 và lấy mẫu cho số còn lại trong ngày 28-1. “Sân bay Vân Đồn cũng lập tức tiến hành phun khử trùng, khử khuẩn bổ sung trên diện rộng với toàn bộ khu vực trong sân bay” - đại diện sân bay Vân Đồn cho hay.
Sáng cùng ngày, Bamboo Airways đã thực hiện hủy toàn bộ chuyến bay từ TP.HCM đi Vân Đồn và ngược lại từ ngày 31-1 đến 14-2. Trong thời gian này, Bamboo Airways khuyến cáo hành khách tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Y tế, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan về việc đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách an toàn… khi làm các thủ tục hàng không tại sân bay và trên chuyến bay.

Phong tỏa sân bay Vân Đồn từ trưa 28-1. Ảnh: V.LONG

“Hành khách đang có kế hoạch đến và đi từ sân bay Vân Đồn thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình chuyến bay trên website hoặc trang Facebook chính thức của hãng nhằm chủ động lịch trình…” - Bamboo Airways khuyến nghị.

Cũng trong ngày 28-1, Vietnam Airlines cho biết đối với các chuyến bay khai thác từ Hải Phòng, hãng sẽ nâng mức độ phòng, chống dịch bệnh từ mức 1 lên mức 3 kể từ 0 giờ ngày 29-1. Theo đó, bên cạnh đo nhiệt độ, khai báo y tế, yêu cầu đeo khẩu trang với tất cả hành khách trên chuyến bay, hành khách còn được xếp chỗ giãn cách tối đa. Các chuyến bay khởi hành từ Hải Phòng sẽ không phục vụ suất ăn, chỉ phục vụ nước uống. Khăn lau tay kháng khuẩn được cung cấp cho tất cả hành khách.
Đối với nhân viên mặt đất, tổ bay thực hiện các chuyến bay từ Hải Phòng, Vietnam Airlines cũng tăng cường trang bị bảo hộ y tế gồm khẩu trang y tế, găng tay y tế, dung dịch rửa tay khô hoặc giấy ướt có cồn, bộ đồ bảo hộ y tế toàn thân. Phi công được di chuyển bằng xe riêng. Hãng bay sử dụng xe thang cho hành khách, tổ bay lên xuống máy bay. Máy bay được bố trí đậu ngoài bãi và được khử trùng ngay sau chuyến bay tại Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất. Phòng khách thương gia cũng thực hiện giãn cách theo quy định.
Đối với sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), Vietnam Airlines cho biết đã không khai thác chuyến bay thường lệ đến, đi từ đây kể từ ngày 9-1.
Nâng cấp độ cảnh báo cao nhất
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã kích hoạt phương án ứng phó cấp độ 4 (màu đỏ) tại đài kiểm soát không lưu và đài dẫn đường đa hướng (VOR) sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh từ 7 giờ ngày 28-1. Đây là cấp độ cao nhất kể từ khi bùng phát dịch COVID-19. Đồng thời kích hoạt phương án ứng phó cấp độ 3 (màu cam) tại các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay khu vực miền Bắc (từ Đồng Hới, Quảng Bình trở ra) từ 7 giờ ngày 29-1 trong vòng 15 ngày.
Cùng đó, tổng công ty đã khẩn trương liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng để tổ chức xét nghiệm PCR cho các lực lượng trước khi đưa vào trực cách ly tại sân bay Nội Bài và đài kiểm soát không lưu Nội Bài. P.ĐIỀN
TP.HCM ngưng vận tải hành khách đến Quảng Ninh, Hải Dương
Sở GTVT TP.HCM cho biết tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách đường bộ từ TP.HCM đi Quảng Ninh, Hải Dương và ngược lại kể từ ngày 28-1 đến khi có thông báo mới.
Đối với các phương tiện đang có hành trình vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, hợp đồng và du lịch từ TP.HCM đi Quảng Ninh, Hải Dương và ngược lại khẩn trương liên hệ với cơ quan y tế để được hướng dẫn biện pháp an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt lưu ý phải khai báo y tế để phục vụ công tác theo dõi và giám sát theo quy định…
Các đơn vị quản lý bến xe khách, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách (tuyến cố định, xe buýt, xe taxi), các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đường thủy có phương tiện thủy chuyên chở từ 13 hành khách trở lên... trên địa bàn TP phối hợp triển khai thực hiện bản đồ chung sống an toàn với COVID-19.
Sở GTVT TP giao Cảng vụ Đường thủy nội địa TP, Trung tâm Quản lý đường thủy triển khai các nội dung trên đến các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đường thủy có phương tiện thủy chuyên chở từ 13 hành khách trở lên và các chủ cảng, bến thủy nội địa vận tải hành khách đường thủy, bến khách ngang sông trên địa bàn TP. Yêu cầu các đơn vị này cung cấp thông tin chi tiết gồm tên đơn vị, địa chỉ (số nhà, phường/xã, quận/huyện, tỉnh/thành phố), điện thoại, email theo mẫu...
Thanh tra Sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Đồng thời kết hợp lồng ghép nội dung kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong các đợt cao điểm trước, trong và sau các ngày nghỉ tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.•
Cần Thơ chưa có chuyến xe nào về từ Hải Dương, Quảng Ninh
Trao đổi với PV, ông Tống Hoàng Kha, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết Cần Thơ chưa phát hiện chuyến xe tuyến cố định nào về từ Hải Dương, Quảng Ninh. Ông Kha cho hay ngay sau khi nắm thông tin về các ca mắc COVID-19 tại Hải Dương, Quảng Ninh, lãnh đạo sở đã liên hệ với Bến xe Cần Thơ để nắm thông tin. “Qua kiểm tra nhanh, chúng tôi phát hiện có một chuyến xe đầu tiên chạy từ Vân Đồn đi Cần Thơ. Tuy nhiên, sáng nay khi đến Bình Dương thì nhà xe đã yêu cầu toàn bộ hành khách, tài xế và phương tiện quay lại. Vì vậy, đến nay Cần Thơ vẫn chưa phát hiện tuyến xe cố định nào về từ các địa phương trên” - ông Kha nói. CHÂU ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm