Dư luận Nhật lên tiếng, cảnh sát Nhật cũng đang truy tìm người khắc lên bệ đá cao nhất trên đỉnh núi Minato-yama, nơi có ngôi đền thiêng Yonago có tuổi hơn 500 năm của Nhật, chữ viết "A.Hào", kèm theo đó là một ngôi sao, dưới dòng chữ là một trái tim đầy yêu thương "to tổ chảng".
Nhiều người cho rằng đây có thể là tên của một người Việt. Còn tôi, sau nhiều năm nhìn các vết khắc trên các di tích của Việt Nam, thấy cái trái tim ấy quả thật rất có dáng dấp của một người Việt trẻ muốn khắc tên mình và lòng mình vào đá.
Bệ đá cao nhất trên đỉnh núi Minato-yama, nơi có ngôi đền thiêng Yonago (Nhật Bản) với chữ viết "A.Hào". Ảnh: Internet
Theo truyền thống vua chúa từ xa xưa, cứ thấy chỗ nào đẹp, nhiều người nhìn là phải khắc cái gì đó lên. Thành ra, bất cứ di tích nào, bất cứ đoạn đường nào, đều có người ịn cái tên mình kèm một hình trái tim lên đó.
Cái khát khao được biết đến, được để lại tên tuổi ám ảnh đến mức như thế. Và nhiều người đã thể hiện khao khát đó ra theo phương cách mà tôi cho là xuẩn ngốc.
Những bức ảnh dưới đây tôi chụp vào hôm leo lên điểm cực Bắc của Việt Nam. Trên tảng đá gần đỉnh có rất nhiều cái tên được khắc sâu vào đá. Sự kỳ công ấy như thể họ leo lên đến đó chỉ để "đục" tên mình vô đá thay vì ngồi ngắm và ngẫm.
Những cái cây trên đường lên núi cũng đầy rẫy vết thương vì những kẻ ám ảnh lưu tên. "Cái cây trăm năm sẽ chứa tên mình trăm năm", chắc họ nghĩ thế. Hay là họ đọc bài thơ của ông Đỗ Trung Quân "mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ lên cây"... Thiệt tình, leo cổng trường vô khắc lên cây còn dễ, đã cất công leo lên đỉnh núi mà cũng khắc thì "bó tay" rồi.
Nếu có dịp tới Tháp Chàm ở Ninh Thuận, bạn cũng sẽ thấy rất nhiều vết khắc, rất nhiều mốc thời gian đang làm "chảy máu" tháp. Trong số đó có những vết khắc cũ từ những năm 50-60 thế kỷ trước. Hay bạn tới Hà Nội, đến Tháp Bút, kiểu gì cũng thấy vết bút xóa, vết sơn, vết khắc chi chít trên thân tháp... Họ muốn gửi tên mình lên trời cao chăng?
Khi nhu cầu thể hiện, thị hiện rất nhiều mà phương tiện và tài năng không có, người ta mang cái ẩn ức ấy mà làm đau gạch, đau đá, đau cây, đau cổ xưa, đau văn hóa. Người ta biến mình thành ngu dốt và kệch cỡm một cách hồn nhiên khi cứ ngỡ mình thừa hưởng một di sản "khắc tên mình vào đá". Không ai bảo cho họ biết rằng đó là phá hoại.
Trở lại chuyện ở Nhật, cái tên A.Hào kèm một trái tim to và một ngôi sao không bào chữa cho sự phá hoại đó mà còn làm tăng thêm tội trạng. Không nỗi tự hào hay yêu thương nào bao chứa sự phá hoại.
Nhiều người muốn "lưu lại dấu vết" không ngại khắc tên mình lên bất cứ chỗ nào họ thích. Ảnh: FBNV
Cái tinh thần thị hiện, thể hiện bản thân phải lưu lại dấu vết, phải để lại tên mình cho hậu thế bằng mọi cách, bất chấp sự phá hoại đang lan truyền trong một xã hội không quan tâm gì quá 15 phút.
Các ý tưởng sơn vào giày để ịn lên mọi nẻo mình qua, mọi thứ mình chạm tới mới có cơ hội xuất hiện. Vì có những người khắc thơ (ẹ) của mình vào vách để người đi du lịch đọc, có kẻ thuê người khắc thơ chữ quốc ngữ (cũng ẹ) vào núi Bài Thơ, ép người ta phải thấy mình, nhìn mình. Cũng may là loại sau không có ngôi sao và trái tim nên cũng không có cảnh sát truy tìm.
Hòn đá thiêng thuộc di sản quốc gia của Nhật, có hơn 500 năm tuổi. Hòn đá thuộc thành cổ Yonago được xây dựng vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 trên núi Minato-yama. Trước năm 1869, đây là nơi thuộc sở hữu của các võ sĩ đạo. Sau khi thành cổ sụp đổ, các bức tường và dãy đá vẫn được dân ở đây gìn giữ và là địa điểm du lịch nổi tiếng của địa phương. Đây cũng là lần đầu tiên xảy ra tình trạng vẽ bậy tại khu di tích Yonago. |