Khám phá vùng hoang dã Láng Sen

Vùng đất hoang dã còn sót lại của hệ sinh thái đất ngập nước Đồng Tháp Mười tại huyện Tân Hưng (Long An) vừa được công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn) thứ bảy của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới.

Khu bảo tồn này được coi là vùng hoang dã hiếm hoi còn sót lại của hệ sinh thái đất ngập nước Đồng Tháp Mười. Gọi là vậy bởi cách đó không xa “người anh” của Ramsar Láng Sen, Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) là khu Ramsar thứ tư của Việt Nam mấy năm qua đã và đang từng ngày bị xâm hại.

“Dự kiến cuối tháng 11-2015, lễ đón nhận quyết định công nhận của khu bảo tồn này sẽ được tổ chức” - anh Nguyễn Công Toại, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (gọi là Ramsar Láng Sen), nói với Pháp Luật TP.HCM.

Chim, cò bay kín cả một vùng ở Ramsar Láng Sen. Ảnh: HN

Đồng Tháp Mười hoang sơ thu nhỏ

Vào một buổi chiều, chiếc tắc ráng (dạng xuồng có gắn động cơ) xé nước đưa chúng tôi vào khu vực đất ngập nước. Lúc này từng đàn chim về tổ. Anh tài công tắt vội máy khi còn cách lõi rừng khoảng 1 km và chuyển sang xuồng chèo tay để không gây tiếng ồn đánh động đàn chim. Vậy mà xuồng đến đâu là từng đàn chim, cò vụt bay lên trắng cả trời chiều, “dàn hợp xướng âm thanh” kỳ vĩ của chim muông xé tan khung cảnh hoang vu.

Những mùa đàn chim về đông, người ta ước lượng rằng có đến hàng trăm ngàn con. Chúng đáp kín cả một dãy đất rộng tầm 40 ha. Chúng đông đến nỗi sau một mùa sinh sản, những vạt rừng tràm xanh mướt, khỏe mạnh rộng hơn 10 ha nơi chim làm tổ đã rụng lá xơ xác.

Từng được mệnh danh là “Đồng Tháp Mười thu nhỏ”, Ramsar Láng Sen được hình thành từ những cánh rừng tràm bạt ngàn, những đồng năng xanh bất tận và những lung, trấp ngập nước trải dài từ Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại đến Vĩnh Châu A (Tân Hưng). Nơi đây có tổng diện tích hơn 4.800 ha, có hơn 140 loài chim cùng 156 loài thực vật.

Trong số này có nhiều loài quý hiếm như sếu đầu đỏ, giang sen, điên điển, đặc biệt là loài quắm đen. Theo số liệu ghi nhận của các chuyên gia, hiện nay loài chim này chỉ còn ở U Minh Thượng (Kiên Giang) với số lượng vài chục con. Vậy mà mới đây người ta ghi nhận được ở Ramsar Láng Sen có trên 300 con chim này.

Ngoài ra, khu bảo tồn này còn là “trại tị nạn” của nhiều loài động vật đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười như rái cá vuốt bé, cua đinh, trăn gấm, rùa vàng... vốn đang có nguy cơ bị tận diệt.

Láng Sen cũng nổi danh với những cánh đồng lúa ma độc nhất vô nhị. Đó là loại “lúa trời” mọc tự nhiên, chín từng hạt và dễ rụng, gạo thuộc vào loại cực thơm ngon. Từ xưa, những cư dân bản địa đã nghĩ ra cách thu hoạch lúa bằng hai mê bồ dựng bên thành xuồng rồi chống đi giữa những đồng lúa, gạt nhẹ cho hạt lúa rụng vào.

Vào thời điểm đỉnh lũ, khi mà những cánh đồng lúa ma chín no hạt, từng đàn chim suốt từ đâu bay về, chao xuống ăn lúa rồi bất chợt vụt lên kín cả một vùng trời. Ở dưới nước, những con cá rô đồng cũng tranh nhau quẫy đuôi tung người lên khỏi mặt nước để đớp từng hạt lúa. “Ngoài Vườn quốc gia Tràm Chim, hiện Ramsar Láng Sen cũng là nơi duy nhất còn những cánh đồng lúa ma rộng đến 50-60 ha. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là người Nhật từng thích thú đến đây nghiên cứu để tìm cách bảo tồn, lai tạo nguồn gen quý hiếm này” - ông Trương Thanh Sơn, Giám đốc khu bảo tồn, thông tin.

Một góc Khu Bảo tồn Láng Sen vừa được công nhận là khu Ramsar thứ bảy của Việt Nam. Ảnh: HN

Bí ẩn “thủy quái Mê Kông”

Tiểu khu 10 của khu bảo tồn có khoảng 200 ha ngập nước quanh năm. Đây là “ngôi nhà chung” cho gần như tất cả loại cá đặc trưng của vùng, trong đó nhiều loài gần như đã bị tuyệt diệt như nàng hai, trê vàng, éc mọi, chài... Những nhân viên tuần tra rừng còn quả quyết với chúng tôi rằng trên các tuyến kênh của khu bảo tồn còn có một đàn cá tra dầu với số lượng lên đến trên trăm con.

“Chúng thường xuất hiện vào buổi sáng và chập tối. Có hôm chúng kéo về đến tận lán trại trông rất rõ. Cách đây không lâu, do bị sặc phèn nên 13 con nặng 20-43 kg đã chết. Nhiều khả năng khu vực này còn có những con nặng hơn, song kinh phí, điều kiện có hạn nên chúng tôi chỉ có thể phỏng đếm, chưa có các biện pháp kỹ thuật như gắn chíp theo dõi để có thể bảo vệ loài cá cực kỳ quý hiếm được coi là một trong những loài “thủy quái sông Mê Kông” còn lại hiện nay” - một cán bộ khu bảo tồn nói.

Tương tự, một loài “thủy quái” khác là cá hô cũng có mặt với số lượng lớn tại vùng lõi của khu bảo tồn. Cũng như cá tra dầu, đàn cá hô được phỏng đoán có đến hàng trăm con. “Vào mùa mưa, mỗi khi nghe tiếng sấm chúng giật mình chúi xuống lớp mùn lá cây dày đặc, sau đó mùn bám chặt vào mang nên nhiều con cá hô tầm 20 kg bị ngộp thở chết. Cũng như những con cá tra dầu bị chết, chúng tôi tiếc quá nên đã đem đi ướp rồi trưng bày để phục vụ nghiên cứu” - vị cán bộ trên kể.

Du lịch sinh thái gắn với bảo tồn

Anh Nguyễn Công Toại nói mùa này đang là mùa chim di cư, thế nhưng số lượng đàn chim, cò năm nay về làm tổ so với năm trước đã giảm đi khoảng 30%. Bởi phần lớn các loài chim, cò trở lại khu bảo tồn vào mùa lũ khoảng tháng 8-9 dương lịch để tìm thức ăn và sinh sản. Tuy nhiên, những năm gần đây do lũ thấp nên lượng cá, tôm giảm đáng kể làm số lượng các đàn chim trở lại không đông như trước.

Anh Toại nay mới 32 tuổi song đã có khoảng 10 năm gắn bó với khu bảo tồn này cũng thông báo thêm gần đây nạn cháy rừng giảm đáng kể. Chưa nói do công tác phòng cháy tốt, nguyên nhân chính là do dân ít vào rừng... lấy mật vì số lượng tổ ong rừng giảm rất nhiều. “Nếu những năm trước, đàn sếu đầu đỏ về đây với số lượng đông thì gần đây chúng trở lại chỉ với số lượng 3-5 con. Tương tự, nhiều đàn chim không trở về bởi chúng không bao giờ có cơ hội được tung cánh rời khỏi khu bảo tồn” - anh Toại thông tin.

Theo anh Toại, lực lượng bảo vệ của khu bảo tồn thay nhau tuần tra 24/24 giờ nhưng vẫn không ngăn được người dân vào chích điện bắt cá và tận diệt chim, cò. Họ dùng thuốc độc bẫy chim với đơn vị tính bằng... xuồng rồi nhổ lông, moi nội tạng chở đi. “Có thực mới vực được đạo. Người dân còn đói nghèo thì sao có ý thức bảo vệ. Chúng ta cứ nói cần phải nâng cao nhận thức cộng đồng nhưng sẽ rất khó nếu trong túi không có tiền. Vì vậy làm du lịch gắn với bảo tồn là một cách thiết thực nhất. Khi đời sống được nâng cao thì mới tính đến chuyện ý thức” - anh Toại nhìn nhận.

Một khi làm du lịch sẽ phát sinh rác thải, tiếng ồn và gây ảnh hưởng ít nhiều đến hệ sinh thái khu bảo tồn. Do đó, chúng tôi phải nghiên cứu các phương án giảm thiểu ảnh hưởng. Ví dụ, nếu làm khu nghỉ dưỡng thì không làm ở khu chính; phương tiện chở khách du lịch xuyên rừng sử dụng động cơ điện hạn chế tiếng ồn...

Nỗi lo xen lẫn niềm vui

Chỉ vào những căn chòi dựng tạm dọc một kênh ở khu vực, các nhân viên của Ramsar Láng Sen nói rằng đó là chỗ tạm cư của những người dân từ các tỉnh đến để săn bắt. Đó là chưa kể đến một lực lượng hùng hậu là cư dân bản địa cũng đang từng ngày chật vật với kế sinh nhai ở vùng đệm, lấp ló ở bìa rừng với những câu lưới, chích điện, lẫn thuốc độc.

Đã có nhiều chương trình hỗ trợ sinh kế để nâng cao đời sống cho người dân ở xung quanh khu bảo tồn và bước đầu cho thấy hiệu quả. Tuy vậy, anh Nguyễn Công Toại vẫn chưa hết lo lắng, khi đời sống của người dân ở quanh khu bảo tồn vẫn chật vật thì chuyện nâng cao ý thức không hề đơn giản. Và đương nhiên những đàn sếu, cá tra dầu, cá hô sẽ “phản ứng” khi chúng bị con người xâm phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới