Theo dòng thời sự

Khánh thành cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây: Đường lớn đã mở!

(PLO)- Rồi đây, đoạn cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Cam Lâm… và nhiều đoạn cao tốc khác sẽ thông xe, trục cao tốc Bắc - Nam sẽ rút ngắn khoảng cách địa lý cho đất nước hình chữ S này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau hơn 1.000 ngày đêm khởi công, cuối cùng đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng cán đích đúng vào dịp lễ 30-4-2023 với bao mong chờ của hàng triệu người. Không chỉ Bình Thuận mà người dân ở Đồng Nai, TP.HCM và cả miền Tây đã mong ngày cao tốc này thông xe với niềm háo hức, rộn ràng.

Từ nay, người dân TP.HCM có nhiều lựa chọn cho kỳ nghỉ cuối tuần của gia đình thay vì trước đây điểm đến gần như duy nhất là biển Vũng Tàu. Có cao tốc, quãng đường phải mất 4-5 tiếng trước nay giờ đã rút ngắn xuống còn 2 tiếng. TP.HCM - Phan Thiết chỉ còn hơn 150 cây số đi xuyên suốt theo tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết với vận tốc 80-120 km/giờ, thay vì trước đây phải di chuyển 200 cây số theo Quốc lộ 1, nhiều đoạn không có dải phân cách, qua nhiều khu dân cư đông đúc, tốc độ hạn chế…

Có cao tốc, hải sản tươi sống từ Bình Thuận nổi tiếng thơm ngon do nằm trong 18 vùng nước trồi của thế giới sẽ đến thị trường TP.HCM nhanh hơn, tươi hơn. Có cao tốc, việc vận chuyển bệnh nhân vào các bệnh viện lớn ở TP.HCM sẽ kịp thời gian vàng để cứu sống được nhiều người hơn…

Cao tốc này thông xe cũng là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư; cho học sinh, sinh viên đi và về. Đây cũng là cơ hội cho những gia đình ở TP.HCM muốn sở hữu một khu vườn nhỏ đầy cây xanh, tiếng chim, lộng gió biển ở Bình Thuận để mỗi cuối tuần ra nhà vườn của mình, tự đi chợ, tự tay nấu những món ăn gia đình cùng thích.

Đặc biệt, khi có cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, du lịch Bình Thuận chắc chắn sẽ đón một lượng lớn du khách do thời gian đã được rút ngắn hơn một nửa. Còn nhớ tháng 2-2015, khi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thông xe, du lịch Vũng Tàu đã gần như quá tải bởi khi đó du khách từ TP.HCM đến Vũng Tàu chỉ còn di chuyển gần 2 giờ thay vì trước đây phải đi đường vòng tốn quá nhiều thời gian.

Nhiều cảnh đẹp, bờ biển trải dài, thức ăn ngon, nhiều điểm du lịch hấp dẫn lại thêm cơ hội có cao tốc rút ngắn thời gian nhưng nên nhớ đó chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa đủ. Ngay từ bây giờ, du lịch Bình Thuận phải có kế hoạch vươn lên và trước mắt phải quyết liệt giữ sạch đẹp biển; xử lý kiên quyết những trường hợp lợi dụng quá tải du khách để mua gian bán lận… Đó mới là điều kiện đủ để níu chân du khách, biển Bình Thuận thành mảnh đất du lịch hấp dẫn, vững bền.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỉ đồng, xấp xỉ mức thu ngân sách hằng năm của tỉnh Bình Thuận. Một số tiền đầu tư mới nhìn qua bằng mức thu của một tỉnh thì thấy quá lớn nhưng những lợi nhuận, cơ hội ngày mai bắt đầu từ tầm nhìn hôm nay qua đầu tư cao tốc này còn lớn hơn nhiều.

Rồi đây Bình Thuận sẽ hưởng lợi rất nhiều từ cao tốc này; người dân sẽ giàu có hơn; 5-10 năm nữa, mức thu ngân sách của Bình Thuận sẽ cao hơn và đặc biệt, ba trụ cột trọng tâm phát triển của tỉnh là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ cất cánh ngay từ nền móng của dự án cao tốc đặc biệt quan trọng này.

Rồi đây, đoạn cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Cam Lâm… và nhiều đoạn cao tốc khác sẽ thông xe, trục cao tốc Bắc - Nam song hành cùng Quốc lộ 1 sẽ rút ngắn khoảng cách địa lý cho đất nước hình chữ S này.

Đường lớn đã mở - chúc mừng Bình Thuận, chúc mừng dải đất miền Trung và cả nước chúng ta!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm