Ngày 21-9, đoàn cán bộ Sở KH&CN tỉnh Bình Dương đã đến garage của ông Bùi Hiển (62 tuổi) để khảo sát, hướng dẫn ông các thủ tục đăng ký sáng chế khoa học. Ông Hiển là người đã tự chế một chiếc máy bay trực thăng.
Theo đại diện của đoàn, qua khảo sát chiếc trực thăng do ông Hiển chế tạo cho thấy có cơ sở để hình thành một đề tài khoa học và có thể đăng ký với Bộ KH&CN.
Trong thời gian tới, ông Hiển cần phối hợp chặt chẽ với Trường ĐH Bách khoa TP.HCM để thành lập một tổ nghiên cứu, chế tạo chiếc trực thăng.
Kỹ sư Hiển trên chiếc trực thăng tự chế "Giấc mơ".
Trước đó, 19-9, tổ công tác của Sư đoàn không quân 370 (đơn vị có chức năng bảo vệ vùng trời, vùng biển, đất liền phía Nam) cùng đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương đến làm việc với ông Hiển, liên quan đến việc ông lái trực thăng tự chế bay trên một khu đất ở thị xã Thuận An, Bình Dương. Đoàn công tác đã hướng dẫn các thủ tục xin phép bay thử nghiệm đối với chiếc trực thăng của ông Hiển.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hiển cho biết mình đã gia nhập Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam, đồng thời làm đề tài sáng chế khoa học để Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam đứng ra xin phép Bộ Quốc phòng để bay thử nghiệm chiếc trực thăng mang tên "Giấc mơ" của mình.
Nếu thành công sẽ xây dựng một xưởng sản xuất máy bay trực thăng siêu nhẹ để sản xuất hàng loạt.
Ông Hiển đang tập bay thử nghiệm với chiếc trực thăng tự chế.
Bản thân là một kỹ sư, ông Hiển nhận định chiếc “Giấc mơ” đã bay thử nghiệm khó lòng được cấp phép vì phần động cơ mua ở nhiều chỗ khác nhau, không có giấy tờ xuất xứ rõ ràng. Trong thời gian tới ông sẽ sang Mỹ mua thiết bị để lắp ráp thử nghiệm.
“Tôi mong Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương cho phép tôi ra nước ngoài mua và nhập động cơ trực thăng về lắp ráp với các bộ phận do tôi sáng chế để làm ra trực thăng an toàn hơn và đẹp. Sau đó sẽ xin Bộ Quốc phòng cấp phép bay” - ông Hiển bày tỏ.