Khi dịch COVID-19 được coi là lý do bất khả kháng

Việc Quốc hội bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS năm 2015 vào chiều 12-11, trong đó có bổ sung căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”, đã giải quyết được vấn đề do thực tiễn đặt ra. Đó là từ ngày 1-12, dịch COVID-19 được coi là trường hợp bất khả kháng.

Xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là công tác quan trọng trong hoạt động mở đầu quá trình giải quyết vụ án hình sự. Qua đầu mối, căn cứ nhận được, cơ quan điều tra (CQĐT) tiến hành xác minh và quyết định có khởi tố một vụ án hình sự hay không.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS.
Ảnh: Quochoi.vn

Theo Điều 147 BLTTHS năm 2015 thì thời hạn xử lý tin báo, tố giác về tội phạm là 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; đối với trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì có thể gia hạn tối đa hai lần, mỗi lần không quá hai tháng.

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 172 BLTTHS thì thời hạn điều tra vụ án là không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

Việc quy định thời hạn này không chỉ nhằm sớm phát hiện hành vi phạm tội, đảm bảo không để oan người vô tội, hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm mà còn góp phần giữ vững an toàn, trật tự xã hội và bảo vệ danh dự, uy tín của các cá nhân, tổ chức bị tố giác.

Với những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 thời gian qua dẫn đến nước ta phải giãn cách trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xử lý tin báo, tố giác về tội phạm cũng như ảnh hưởng đến tiến độ điều tra.

Điều này dẫn đến thực trạng vi phạm thời hạn giải quyết của CQĐT ở các địa phương trên cả nước, nhất là những hoạt động phải tiến hành trực tiếp tại thực địa như hỏi cung, khám nghiệm hiện trường, khám xét nơi ở, nơi làm việc…

Để khắc phục các hạn chế này, ngày 12-11, Quốc hội khóa XV sau khi nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS (có hiệu lực từ ngày 1-12).

Việc bổ sung quy định căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” là rất đúng đắn.

Việc sửa đổi này chính là điểm mới, tháo gỡ những khó khăn trong thời gian qua của của CQĐT. Bởi lẽ do ảnh hưởng của dịch, CQĐT không thể tiến hành xử lý, điều tra đúng thời hạn, mà tạm đình chỉ thì không có căn cứ pháp lý.

Tuy nhiên, tạm đình chỉ đồng nghĩa với việc tạm ngưng xử lý, cho nên khi rơi vào các trường hợp tạm đình chỉ sẽ kéo dài thời gian giải quyết hơn khi xử lý các trường hợp thông thường, dẫn đến tình trạng án bị “ngâm”.

Nhưng ở chiều ngược lại, không loại trừ có trường hợp CQĐT vịn vào lý do dịch bệnh, thiên tai (là lý do bất khả kháng) để “cố tình” kéo dài thời gian giải quyết làm cho người phạm tội có điều kiện bỏ trốn, xóa bỏ dấu vết của hành vi phạm tội, tẩu tán tài sản…

Việc lạm dụng lý do này cũng sẽ gây khó khăn trong công tác điều tra, xác minh, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; ảnh hưởng an ninh, trật tự xã hội cũng như hình ảnh, uy tín của cơ quan nhà nước và sự nghiêm minh của pháp luật.

Thực tế, dịch bệnh hoặc thiên tai chỉ có sự tác động trực tiếp, nghiêm trọng đến một số địa phương cụ thể. Do đó, để tránh việc lợi dụng lý do bất khả kháng để ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết, kéo dài thời gian xử lý không đúng quy định, cần sớm có những hướng dẫn chi tiết.

Cụ thể, khi áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 148; điểm d khoản 1 Điều 229 và điểm d khoản 1 Điều 247 BLTTHS về trường hợp tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; tạm đình chỉ điều tra; tạm đình chỉ vụ án “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”, cần:

i) Quy định rõ về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh như thế nào thì CQĐT được ra quyết định tạm đình chỉ. Có thể dựa vào cấp độ dịch mà Nghị quyết 128 của Chính phủ và đã đề ra để quy định về căn cứ tạm đình chỉ này.

ii) Quy định cụ thể về thời gian tạm đình chỉ, các trường hợp được phép gia hạn thời gian tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh; khôi phục tạm đình chỉ giải quyết khi dịch bệnh được kiểm soát…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm