Ngày 23-2, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM vẫn đang phối hợp với cơ quan chức năng phường Thạnh Lộc, quận 12 bắt con khỉ quậy, tấn công bốn người dân trên địa bàn.
Khỉ đực “đại náo”, cắn người
Khoảng trước Tết, một con khỉ đực khá to xuất hiện ở khu vực đường TL29 (phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM). Con vật leo lên mái nhà dân, cây cối tìm, trộm thức ăn ở khu vực.
Hôm mùng 3 Tết (tức ngày 12-2), con khỉ chạy vào nhà của anh Hoàng Nghĩa Cảnh (45 tuổi, ngụ quận 12) để lục tìm đồ ăn.
Khi vợ của anh Cảnh xua đuổi thì con khỉ xông tới, cào cấu khiến tay bị xước, rướm máu. “Sự việc khiến các con tôi hốt hoảng leo lên giường ngồi để tránh khỉ”- anh Cảnh nói.
Tiếp đó, mùng 8 Tết (tức ngày 17-2), bà Nguyễn Thị Thoan (58 tuổi, ngụ quận 12) mở hàng, khai trương bán trái cây trên đường TL29, cách nhà anh Cảnh chừng 6 mét. Lúc này, con khỉ thường ở trên mái nhà, chỗ bà Thoan bán trái cây.
Thấy con khỉ đi lại, leo trèo, bà Thoan nghĩ “chắc là nó đói rồi” nên lấy một quả táo ném ra cho ăn. Quả táo sau đó lăn ra đường, bà Thoan sợ con khỉ nhặt táo bị xe tông nên chạy ra lấy để ném lại cho khỉ.
“Con khỉ lại tưởng tôi giành táo với nó nên lao vào cắn trúng chân, chảy máu” – bà Thoan kể và cho biết đầu gối sau đó sưng to, phải đi bệnh viện tiêm ngừa hết gần một triệu đồng. Vụ việc khiến các con của bà Thoan lo lắng.
Khoảng ba hôm sau, mấy người dân khu vực tìm cách bắt con khỉ lại vì sợ bị tấn công. Một người đàn ông cắt rau muống cũng bị khỉ cắn trúng, phải đi bệnh viện tiêm ngừa. Kế đó, con vật xông vô một tiệm bán đồ ăn để bốc trứng rồi nhảy lên đầu một người phụ nữ để bứt tóc, cào cấu gây xước da.
Theo bà Thoan, hai hôm nay không thấy con khỉ xuất hiện lại ở khu vực, không rõ nó đi đâu.
Sau khi tiếp nhận thông tin khỉ quậy, cắn người, hôm 21-2, Chi Cục Kiểm lâm TP.HCM đã cử cán bộ xuống hiện trường để tìm bắt. Tuy nhiên, kiểm lâm phối hợp mật phục tìm kiếm một ngày nhưng không tìm thấy.
“Mọi người ở khu vực này ai cũng mong muốn tìm được con khỉ để kiểm lâm đưa đi, thả về tự nhiên để nó đỡ quậy phá”- bà Thoan nói.
Theo hình ảnh người dân chụp được, con khỉ đực đuôi lợn có trọng lượng khoảng 10kg, giới tính đực, trên cổ có đeo một sợi dây xích sắt. Người dân nghi ngờ ai đó đã nuôi nhốt và con vật bị sổng ra ngoài.
Nhiều người dân bàn giao khỉ
Trong ngày, cán bộ Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cũng đã tiếp nhận đưa về cứu hộ hai cá thể khỉ đuôi lợn do người dân tự nguyện giao nộp.
Ông Trần Văn Sang (ngụ quận 12, TP.HCM) cho biết, hơn ba năm trước, con trai ông đi giao hàng ở Bình Phước thì phát hiện một con khỉ con ở ven rừng cao su.
“Khi con tôi dừng lại thì con khỉ đu vào chân, leo lên bám vào người nên đưa về để nuôi dưỡng, chăm sóc” – ông Sang nói và cho biết con khỉ hiền, dễ thương nên gia đình rất quý.
Ông Sang đặt tên con khỉ là Mai cho ăn trái cây và cơm, xem như thành viên trong nhà. Với mong muốn con vật được chăm sóc tốt hơn nên ông Sang liên hệ với kiểm lâm để bàn giao.
Bước đầu kiểm lâm viên xác định đây là khỉ đuôi đực, nặng khoảng 5,4 kg, tên khoa học là Macaca leonina, thuộc nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm.
Ngoài ra, ông Phùng Văn Nghĩa, ngụ quận 12 cũng liên hệ với kiểm lâm để bàn giao một con khỉ đực đuôi lợn vào sáng cùng ngày.
Theo ông Nghĩa, con khỉ là của bạn nuôi và tặng cho ông vào khoảng tháng 10 năm ngoái. Thấy con khỉ là động vật quý hiếm nên ông đã liên hệ với kiểm lâm để bàn giao để bảo tồn.
Kiểm lâm viên thuộc Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã thổi thuốc gây mê và đưa con khỉ về chăm sóc, cứu hộ theo quy định.
Theo đó, đây là con khỉ đuôi lợn, giới tính đực, nặng khoảng 11,5 kg, tên khoa học là Macaca leonina, thuộc nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm.
Một cán bộ Chi cục Kiểm Lâm TP.HCM cho biết thực tế hiện nay còn một số người dân tự ý nuôi nhốt khỉ hoặc các động vật hoang dã khác tại nhà.
Tại Việt Nam các loài khỉ như khỉ mặt đỏ, khỉ mốc, khỉ vàng, khỉ đuôi dài và khỉ đuôi lợn đều thuộc Nhóm IIB, nhóm động vật nguy cấp, quý, hiếm và đang được bảo vệ theo danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Theo cán bộ kiểm lâm này, người dân nếu nuôi khỉ hoặc các loại động vật nguy cấp, quý hiếm khác thì động vật đó phải có hồ sơ, nguồn gốc hợp pháp và đăng ký với kiểm lâm. Nếu người dân tự ý nuôi nhốt không hợp pháp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp kiểm lâm hoặc cơ quan chức năng phát hiện người dân nuôi nhốt động vật hoang dã quý hiếm trái phép thì sẽ vận động người dân giao nộp theo quy định. Trường hợp người dân không hợp tác thì kiểm lâm sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thu giữ, lập biên bản xử phạt theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP.