Sáng 13-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021” .
Phát sinh khiếu kiện đông người về môi trường
Báo cáo kết quả giám sát được thực hiện trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương, kết quả giám sát trực tiếp tại tám bộ ngành và sáu địa phương.
Về lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, báo cáo của Chính phủ cho thấy trong số vụ việc đã được giải quyết tỉ lệ công dân khiếu nại có yếu tố đúng là 17,1%, tố cáo có yếu tố đúng 19,7% (thấp hơn so với bình quân năm năm trước).
Trong năm năm (2016-2021), thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan hành chính các cấp đã chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ việc. Riêng năm 2022, đã chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự 31 vụ việc, 34 đối tượng (có 13 cán bộ, công chức có sai phạm).
Bên cạnh đó số vụ việc khiếu nại, tố cáo về hành chính có xu hướng giảm trong những năm gần đây nhưng số vụ việc thuộc lĩnh vực tư pháp có xu hướng tiếp tục tăng, nhất là án hành chính, dân sự - kinh tế.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo giám sát về việc thực hiện pháp luật trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021. |
Các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực hành chính, liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội trước thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực.
Trong thời gian gần đây còn có phát sinh thêm các vụ việc đông người, phức tạp liên quan đến lĩnh vực môi trường, nhất là đối với việc thu hồi đất, thực hiện dự công viên nghĩa trang, khu xử lý rác thải tập trung, các cơ sở chăn nuôi tập trung, hoạt động của một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường khu dân cư...
“Khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực môi trường tiếp tục gia tăng, nhất là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng nguyên vật liệu, khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường gần khu dân cư sinh sống” - báo cáo giám sát nêu.
Thanh tra trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, TP tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là công tác thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Coi đây là một kênh thông tin quan trọng để kiểm tra, đánh giá được tính khả thi của chính sách pháp luật và hiệu quả quản lý nhà nước. Đây cũng là phương thức hữu hiệu nhằm tiếp tục củng cố mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành và địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với các ngành, lĩnh vực và địa bàn phụ trách. Đặc biệt trong lĩnh vực đất đai; trật tự xây dựng, quy hoạch đô thị, môi trường, tranh chấp liên quan đến việc quản lý, vận hành nhà chung cư và một số vấn đề mới nảy sinh được dư luận và Nhân dân quan tâm nhằm hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Bộ TN&MT trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai cần quan tâm hơn đến việc hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.