Nhìn vào tổng thể thì cách chơi nặng nề kiểu sợ thua và thiếu sáng tạo, thiếu quyết đoán mới là cái thua lớn hơn.
Nếu học trò ông Park Hang-seo thể hiện như hai trận thua trước Saudi Arabia và Úc thì có thể mọi chuyện sẽ khác. Đó là hai cái thua chấp nhận được trước đối thủ mạnh hơn.
Đá trên sân của Saudi Arabia, các tuyển thủ Việt Nam vẫn chủ trương phòng ngự nhưng mỗi lần phản công là bất ngờ, mạnh mẽ và quyết đoán gây vô vàn khó khăn cho chủ nhà. Trận đá với Úc, tuyển Việt Nam dù yếu thế hơn nhưng vẫn luôn khiến Úc phải cảnh giác mỗi khi cầm bóng và tự tin phản công. Còn trận thua Trung Quốc thì vẫn những con người đấy nhưng các học trò HLV Park Hang-seo mất hẳn những phẩm chất đó.
Sau trận thua đau Trung Quốc 2-3, đâu đó có những chỉ trích HLV Park Hang-seo về cách dùng người với hàng loạt từ nếu và tại sao. Chẳng hạn, với lập luận và mổ xẻ vì sao không phải là Thành Chung thay thế Bùi Tiến Dũng mà là cầu thủ trẻ non kém trận mạc như Thanh Bình để rồi chính sự non nớt của Bình khiến Wu Lei khai thác với hai bàn thắng trực diện. Hay vì sao Phan Văn Đức chưa tìm lại phong độ nhưng vẫn cứ tin dùng nhiều trận để khi thay ra thì đã quá muộn.
Những bàn thua chỉ là tình huống và thua trong một thế trận hoàn toàn có thể làm hơn được chưa chắc vì cách chọn người của HLV Park Hang-seo mà cái thua lớn nhất là sự nặng nề, không thoải mái do căng cứng tâm lý, dẫn đến thiếu tự tin và thiếu sáng tạo.
Nói đúng hơn là cách cư xử với một đối thủ trên chúng ta ở bảng xếp hạng FIFA nhưng hoàn toàn có thể chơi một cách sòng phẳng với họ được, nhất là Trung Quốc bộc lộ điểm yếu lớn trong phòng ngự.
Nói là chủ động phòng ngự, chực chờ những cơ hội để phản công ăn bàn như hai trận gặp Saudi Arabia và Úc thì hoàn toàn không phải. Nên nhớ cả ba bàn thắng của Trung Quốc đều xuất phát từ những pha phản công, tức họ dùng đúng miếng đánh sở trường của đội tuyển Việt Nam để chiến thắng các học trò ông Park.
Còn gọi là áp đặt lối chơi lên đối thủ trong nhiều thời điểm ở hiệp 2, nhất là khi bị dẫn bàn thì lại cho thấy chính lúc đấy ta rất hở do cự ly giữa ba tuyến giãn cách và không thể bọc lót cho nhau chặt chẽ được. Bàn thua đầu là một minh chứng, còn hai bàn tiếp theo đều xuất phát từ đường chuyền của hậu vệ biên trái Trung Quốc lên tấn công, rất thoải mái ngắm nghía khoảng trống trước cầu môn và cách di chuyển của Wu Lei mà thực hiện.
Nói là các học trò HLV Li Tie khai thác vào điểm huyệt cũng đúng mà nói chúng ta tự phá vỡ lối chơi để đối thủ đánh vào cũng không sai.
Thua bởi bàn quyết định ở phút 90+5 thì đau thật nhưng từ cái thua của một trận đấu mới đáng để nhìn ra những vấn đề. Wu Lei không thuộc mẫu cầu thủ to cao nhưng cả bàn thắng đánh đầu lần sút nối cận thành đều không có sự can thiệp của những trung vệ cứng cựa mà thầy Park vẫn tin dùng thì rõ ràng chúng ta đã thủng nhiều hơn là chỉ đổ cho một trung vệ 21 tuổi vào sân giữa hiệp 2.
Lượt đi còn lại hai trận gặp Oman và Nhật Bản nhưng sẽ phải xuất phát từ vị trí đáy bảng và là đội duy nhất không có điểm thì thật khó đá.