Các tổ chức đầu tư trong, ngoài nước cho biết sẽ hướng tới thành lập Quỹ đầu tư biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL. Theo đó, trong tương lai, nguồn quỹ này sẽ dần thay thế cho vốn từ nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức của Việt Nam (ODA) hiện nay.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá việc ra đời quỹ này là cần thiết vì ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn nước, xâm nhập mặn và những tiêu cực của biến đổi khí hậu. Dự báo đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam có thể tăng khoảng 2-3°C, mực nước biển có thể dâng lên 1 m. Sẽ có khoảng 40% diện tích ĐBSCL, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích các tỉnh ven biển khác của Việt Nam bị ngập. Riêng TP.HCM sẽ bị ngập trên 20% diện tích. Do đó, khoảng 10%-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp với tổn thất khoảng 10% GDP.
Theo Phó Thủ tướng, để kịp thời thích ứng với những biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra, Việt Nam đã phê duyệt 62 dự án ưu tiên cấp bách về biến đổi khí hậu, trong đó có 17 dự án thuộc vùng ĐBSCL như trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển.
QUANG HUY