Thạch Sô Phách kể và tả cảnh mình bị treo và bị đánh trong trại tạm giam nên đã “đầu thú” rằng có tham gia vụ giết người. Ảnh: TV
Là người kiểm sát điều tra nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KSV đã không làm đúng và đầy đủ trách nhiệm theo quy định của BLTTHS và quy chế công tác của ngành.
Vì thế việc “xích” KSV là một bước tiến mới cả về nhận thức và hành vi nhằm thực hiện quy định: Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật (Điều 5 BLTTHS) và quy định: Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những hành vi, quyết định của mình (Điều 12 BLTTHS). Mặt khác, hoạt động điều tra là lĩnh vực rất nhạy cảm, dễ đụng chạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng. Do vậy KSV thiếu trách nhiệm trong giai đoạn điều tra sẽ không thể thực hiện đầy đủ nhiệm vụ bảo vệ quyền con người của những người tham gia tố tụng (khoản 3 Điều 107 Hiến pháp năm 2013).
Thật vậy, nhiệm vụ, quyền hạn của KSV trong giai đoạn điều tra được quy định rất rõ tại Điều 37, BLTTHS. Đó là: Kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra; đề ra yêu cầu điều tra; triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác thuộc thẩm quyền của VKS theo sự phân công của viện trưởng VKS.
Trong vụ bảy thanh niên ở Sóc Trăng bị làm oan này KSV có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc: Kiểm sát việc bắt, tạm giam dẫn đến việc VKSND tỉnh phê chuẩn sai; kiểm sát các hoạt động của cơ quan điều tra dẫn đến bảy thanh niên bị nhục hình; khi thấy có dấu hiệu kêu oan thì không tự triệu tập hỏi cung bị can để kiểm tra các lời khai có phù hợp với thực tế khách quan hay không. Một câu hỏi đặt ra là ai sẽ bồi thường cho những người bị oan? Khoản 2 Điều 31 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì VKS phải bồi thường trong các trường hợp: Đã phê chuẩn lệnh tạm giam của cơ quan điều tra có thẩm quyền hoặc ra lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam mà sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội. Như vậy VKSND tỉnh phải bồi thường và KSV có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước khoản tiền đã bồi thường cho những người bị oan.
KSV trong vụ án hình sự có vai trò rất quan trọng như đã nói ở trên, nhất là trong việc đảm bảo tránh oan sai trong giai đoạn điều tra. Tuy nhiên, thực tế nhiều KSV không nhận thức hoặc không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình nên trong các vụ án oan sai có một phần lỗi không nhỏ của KSV. Vụ này sẽ là lời cảnh tỉnh cho các KSV lơ là trong nhiệm vụ, là bài học nhắc nhở KSV phải nghiêm túc hơn trong công việc. Ở đây, chúng ta cũng thấy một điểm tiến bộ là cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã rất tích cực và sòng phẳng với những người làm oan. Nó có thể là một việc hiếm thấy trước đây nhưng từ nay nó sẽ là điểm bắt đầu cho một tư duy mới nhằm hoàn thiện hơn nữa ngành kiểm sát.
TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM