Khói vàng mã nghi ngút ở điểm lở đất Trung Quốc

Tin cập nhật từ Reuters ngày 26-6 cho hay các nhân viên cứu hộ đang nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm 93 nạn nhân còn mất tích sau trận sạt lở kinh hoàng ở thôn Tân Ma, tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc.

Người dân khóc thét khi hay tin người thân của mình nằm trong số các nạn nhân bị chôn vùi sau trận sạt lở kinh hoàng. Ảnh: REUTERS 

Số liệu ban đầu được đưa ra là 141 người bị mất tích. Tân Hoa xã cho biết có 15 thi thể đã được đưa ra khỏi đống đất đá. Tuy nhiên, nhà chức trách tại hiện trường hôm 25-6 xác nhận hiện có 10 người đã thiệt mạng và các nhân viên đang tiếp tục tìm kiếm 93 người còn mất tích.

Nhân viên cứu hộ đưa thi thể của một nạn nhân ra khỏi đống đất đá khổng lồ. Ảnh: REUTERS

Qiao Dashuai (26 tuổi) kể lại: Vào lúc 5 giờ rưỡi sáng 24-6, anh cùng vợ đang ngủ thì bất ngờ tỉnh giấc vì đứa con một tháng tuổi của vợ chồng anh khóc dữ dội. “Mới thay tã cho thằng bé xong thì chúng tôi nghe thấy một tiếng rầm lớn bên ngoài, sau đó đèn tắt đi” - anh Qiao nói.

Người dân đốt nhang và vàng mã để an táng các thân nhân tại hiện trường vụ sạt lở. Ảnh: AP

“Chúng tôi linh cảm thứ gì đó không lành đang diễn ra và ngay lập tức di chuyển về phía cửa và chạy ra khỏi nhà” - Qiao tường thuật. Qiao cho biết sau khoảng năm tiếng đồng hồ chống chọi với khó khăn, đội cứu hộ đã phát hiện và đưa gia đình anh tới bệnh viện.

Vụ sạt lở đã để lại biết bao cảnh thương tâm khi người ta mất đi những người thân của mình. Ảnh: AP

Vụ sạt lở xảy ra vào lúc 6 giờ sáng 24-6 khi một phần của một ngọn núi cao 3.000 nằm gần thôn Tân Ma đổ sập, tạo thành một đống đất đá trải dài 2 km chặn ngang con sông ở thôn này và khiến 1,6 km đường bị ách tắc. Bộ Tài nguyên đất Trung Quốc cho biết mưa lớn là nguyên nhân chính gây ra vụ sạt lở này.

Người ta đứng trên các khối đá to đùng, rải vàng mã khắp nơi với hy vọng linh hồn người thân sớm siêu thoát. Ảnh: AP

Theo Guardian, đến ngày 26-6, người thân của các nạn nhân trong vụ sạt lở đã tỏ ra giận dữ. “Từng có nhiều vụ sạt lở trước đây nhưng chẳng một ai yêu cầu chúng tôi di tản. Chính quyền biết được sống ở những khu vực thế này rất nguy hiểm nhưng họ lại chẳng yêu cầu chúng tôi rời đi” - một cụ ông nói.

Một cô gái ngồi trước đống vàng mã chuẩn bị đốt cho người thân trong gia đình người yêu sắp cưới của mình. Ảnh: NHẬT BÁO TRÙNG KHÁNH

Khói vàng mã bốc lên nghi ngút tại hiện trường vụ sạt lở. Ảnh: NHẬT BÁO TRÙNG KHÁNH

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên đất Trung Quốc Xu Qiang cho biết việc bố trí lại dân cư trên quy mô lớn trong khu vực là rất khó. “Nhiều dân làng đã sống ở đây qua biết bao thế hệ và họ chưa chứng kiến thảm họa địa chất nào. Đây là nhà của họ và thật sự khó để thuyết phục họ, đặc biệt khi bạn chỉ đưa ra các dự đoán” - Xu nói.

Công tác cứu hộ hiện gặp rất nhiều khó khăn do những tảng đá có kích thước khá lớn và một phần diện tích lớn bị san bằng. Trong ảnh: Một cô gái ôm đống tiền giấy vừa đi vừa gọi tên người thân. Ảnh: AP

Các chuyên gia địa chất cho biết cơ hội sống sót của những người bị chôn vùi dưới đống đất đá là rất mỏng manh. Ảnh: NHẬT BÁO TRÙNG KHÁNH

Hiện rất nhiều vẫn chưa rõ tung tích. Đã bước sang ngày thứ ba nhưng chỉ có thi thể của hơn chục người được đưa ra khỏi đống đất đá. Ảnh: NHẬT BÁO TRÙNG KHÁNH

Nhiều người đã tuyệt vọng khi nhiều ngày mà vẫn chưa có tung tích gì của người thân mình. Dân làng thậm chí đã đốt nhang và vàng mã để linh hồn người thân mau chóng siêu thoát. “Vô ích cả thôi! Dù sao mọi người đã bị những tảng đá nghiền nát” - Han Jianying, một dân làng đang tìm kiếm các thành viên gia đình bị mất tích, bày tỏ trong tuyệt vọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm