UBND TP.HCM vừa giao UBND quận 7 nghiên cứu thực hiện không cấp phép xây dựng (CPXD) đối với nhà ở riêng lẻ. Thay vào đó, người dân chỉ cần đăng ký xây dựng dựa trên những chỉ tiêu quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch hoặc thiết kế đô thị đã công bố. Ý tưởng này từng được quận Tân Phú thực hiện thí điểm cách đây nhiều năm và gây đình đám một thời gian dài.
Được khen nhưng vẫn bị “thổi còi”
Trước đó, năm 2009 quận Tân Phú thực hiện giải tỏa mở rộng trục đường Lũy Bán Bích. có khoảng 1.000 căn nhà bị ảnh hưởng, đồng nghĩa với việc phải xây dựng cải tạo. Nhân dịp này quận lập luôn quy chế quản lý kiến trúc đô thị cho trục đường này để tạo thuận lợi cho người dân trong việc xin phép xây dựng và tạo sự đồng bộ về cảnh quan kiến trúc.
Từng công trình trên trục đường này được xác định quy mô, tầng cao, khoảng lùi, hình thái kiến trúc nhà ở được xác định, thậm chí cả màu sắc cũng được hướng dẫn. Người dân có nhu cầu xây dựng không phải làm thủ tục xin phép xây dựng, không cần lập bản vẽ mà chỉ đăng ký xây dựng tại UBND phường. Sau bảy ngày, chủ đầu tư sẽ được nhận “chứng chỉ xây dựng” kèm bộ bản vẽ chi tiết tỉ lệ 1/200 có cả hình mẫu nhà.
Quận còn có ý tưởng tạo hành lang đi bộ tại trục đường này nên trong bản vẽ quy định phải chừa khoảng lùi 3,5 m2 gọi là “khoảng lùi thương mại” khi xây dựng. Được biết trong tổng số 1.000 căn nhà bị ảnh hưởng do mở rộng đường Lũy Bán Bích, quận đã vẽ được khoảng 700-800 căn nhà theo quy chế quản lý kiến trúc ban hành cho trục đường này. Chứng chỉ xây dựng còn được phường giao tận tay cho người dân.
Sáng kiến gây đình đám của UBND quận Tân Phú nhận được nhiều đồng tình nhưng cũng không ít ý kiến “thổi còi”. Chẳng hạn, chứng chỉ xây dựng do quận cấp không có giá trị pháp lý để tài sản được công nhận và được cấp giấy sau này, quy chế quản lý kiến trúc chưa đúng thẩm quyền… Sau đó UBND quận Tân Phú “cải biên” chứng chỉ xây dựng thành giấy phép xây dựng (GPXD). Về mặt thủ tục thì thực hiện theo quy định nhưng GPXD và bản vẽ thì theo cách của quận.
Tuy nhiên, sau tám năm thực hiện, việc cấp GPXD cho trục đường Lũy Bán Bích hiện nay chỉ còn áp dụng một phần sáng kiến trên.
Trục đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú từng được thí điểm không cần cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Ảnh: CT
Bản vẽ kèm giấy phép xây dựng theo cơ chế riêng cho nhà ở trên đường Lũy Bán Bích như thế này hiện đã không còn được cấp. Ảnh: CT
Theo quy định chung cho phù hợp
Ông Nguyễn Văn Duy Nhật, Phó phòng Quản lý đô thị quận Tân Phú, cho hay đối với những trường hợp được cấp chứng chỉ xây dựng trước đây thì người dân vẫn được sử dụng văn bản này để xây dựng. Tuy nhiên, thực tế nhiều người dân xin cấp GPXD mới. “Bản vẽ lập theo bản đồ nên chưa sát thực tế, thời điểm đó đường Lũy Bán Bích vừa giải tỏa nên tình hình chưa ổn định. Để tránh vướng mắc khi hoàn công và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, người dân thường chọn cách xin lại GPXD mới” - ông Nhật cho hay.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCMvề việc TP giao UBND quận 7 thực hiện không CPXD mà người dân chỉ cần đăng ký xây dựng, chủ tịch UBND quận 7 Lê Hòa Bình cho hay quận đang làm nên “sẽ trao đổi khi triển khai”. Theo thông tin chúng tôi nắm được, quận này đang tiến hành thuê đơn vị tư vấn thực hiện việc lập quy chế quản lý kiến trúc cho một số khu vực đã ổn định để thực hiện chủ trương thí điểm TP giao. |
Ông Nhật cho biết thêm: Hiện tại thủ tục CPXD và nội dung của giấy phép, bản vẽ cho nhà ở trên trục đường Lũy Bán Bích được thực hiện theo quy định chung. Quy chế quản lý kiến trúc ban hành cho trục đường Lũy Bán Bích vẫn được quận áp dụng khi CPXD để quy định về tầng cao, hình thái kiến trúc và khoảng lùi thương mại.
Theo ông Nhật, sáng kiến trước đây áp dụng cho tình thế “dầu sôi lửa bỏng”, khi đường Lũy Bán Bích vừa mở rộng để tạo thuận lợi cho người dân và tạo sự đồng bộ trong cảnh quan kiến trúc. Hiện tại, việc CPXD cho nhà ở tại đây được thực hiện theo quy định pháp luật chung. Về việc lập thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc cho các trục đường khác, quận cũng đăng ký cho một số tuyến đường nhưng chưa có hướng dẫn nên chưa triển khai.
Bỏ cấp phép xây dựng: Cần nghiên cứu kỹ TS-KTS Võ Kim Cương cho rằng cần phải thực hiện rất kỹ khi xây dựng quy chế để tránh lãng phí nếu không khả thi. “Dự án mới thì đơn giản nhưng với khu dân cư hiện hữu với rất nhiều người dân là chủ sở hữu thì phải tính toán kỹ” - ông lưu ý. Theo TS-KTS Võ Kim Cương, những khu vực có thể lập quy chế quản lý kiến trúc là nơi đã ổn định về hạ tầng như đường sá, công trình công cộng, chỉ còn nhu cầu xây sửa nhà ở của người dân. Tuy nhiên, với tình hình thực tế hiện nay, quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch đô thị mang tính chất hỗ trợ, làm căn cứ cho công tác CPXD, chưa thể hoàn toàn thay thế cho GPXD. Nếu quy chế quản lý kiến trúc quy định những nội dung chi tiết cụ thể và mang tính bắt buộc như quy hoạch 1/500 của dự án như công trình phải xây bao nhiêu tầng, hình thái kiến trúc ra sao thì chắc chắn là không khả thi vì không phù hợp với nhu cầu và khả năng của người dân. TS-KTS Võ Kim Cương nhìn nhận với tình hình thực tế hiện nay, quy chế quản lý kiến trúc chỉ có thể quy định đến tầng cao tối đa, mật độ xây dựng, kiến trúc mặt tiền, lộ giới cho nhà ở tại một khu vực, tuyến phố. Với từng công trình cụ thể vẫn cần có GPXD. “Trong các loại giấy phép hiện hành, tôi cho rằng GPXD là cần thiết nhất, việc bỏ GPXD nên là khâu sau cùng khi công tác quản lý xây dựng hoàn chỉnh. Không có giấy phép, coi chừng vi phạm xây dựng nhiều hơn. Cải cách hành chính không nhất thiết là phải bỏ thủ tục nếu chưa đủ điều kiện. Quy định thủ tục tinh gọn, minh bạch, rõ ràng và đúng hẹn cũng là những cải cách thiết thực, thuận lợi cho dân” - TS-KTS Võ Kim Cương bày tỏ. |