Không chỉ đối tác Trung Quốc muốn xây Long Thành

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) và ông Chen Yi Long, Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (KAIDI) của Trung Quốc, vừa đề xuất với Thủ tướng cho phép đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, Geleximco giới thiệu có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, như KAIDI trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, vận hành các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Mô hình được chọn để triển khai xây dựng sân bay Long Thành.

Geleximco cho rằng họ cũng có mối liên hệ của một số quỹ đầu tư lớn như Tập đoàn Quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc, công ty nhà nước với tổng tài sản đạt trên 250 tỉ USD có năng lực và kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực quản lý tài sản và đầu tư, Công ty TNHH CP Đầu tư Dân sinh (Trung Quốc) và Tập đoàn đầu tư lớn tại Hong Kong như IDG…

Theo ông Vũ Văn Tiền, với năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh trong điều kiện khó khăn về việc thu xếp vốn trên thị trường tài chính hiện nay của các nhà đầu tư khác, tập đoàn đề xuất với Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc cho Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hình thức TPP.

Ông Vũ Văn Tiền cũng cho rằng với kinh nghiệm triển khai, xây dựng và quản lý đầu tư các dự án về giao thông và cảng hàng không, cũng như khả năng thu xếp nguồn vốn cho dự án, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đảm bảo tiến độ với thời gian xây dựng vận hành từ 3 đến 5 năm, giá thành đầu tư thấp nhất cho một sân bay mới hiện đại.

Trao đổi Pháp Luật TP.HCM về đề xuất trên, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết hiện nay Bộ GTVT đang thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội là lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cảng hàng không Long Thành cho giai đoạn 1 của dự án. Theo đó, Bộ GTVT đã giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi để làm cơ sở tuyển chọn nhà đầu tư.

"Vì vậy những đề xuất cần phải chờ đến khi báo cáo được cơ quan có thẩm quyền thông qua mới tiến hành tuyển chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo các tiêu chí được quy định rõ trong báo cáo..."- vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Theo vị lãnh đạo Bộ GTVT, ngoài đề xuất của Geleximco, còn có ACV, hãng hàng không Vietjet cũng mong muốn được đầu tư xây dựng cảng hàng không sân bay Long Thành: "Dự án sân bay Long Thành, có các hạng mục kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhà nước nên bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể đề xuất phương án tham gia. Bộ GTVT rất hoan nghênh các nhà đầu tư quan tâm dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành...", vị này nhấn mạnh.

Geleximco là doanh nghiệp đa ngành với lĩnh vực hoạt động gồm bất động sản, ngân hàng, công nghệ thông tin, thương mại...

Trước khi đề xuất tham gia dự án này, công ty cũng liên tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép được tham gia đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như cao tốc Bắc - Nam đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh và TP HCM - Khánh Hòa, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, đường sắt cao tốc Bắc - Nam... với ước tính sơ bộ tổng chi phí đầu tư các dự  lên tới gần 50 tỉ USD.

                                       ------

Giai đoạn 1 sân bay Long Thành là đầu tư một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm