Không chỉ người khó khăn mới rút BHXH một lần

(PLO)- Nhiều trường hợp không thực sự khó khăn về tài chính vẫn rút BHXH một lần vì lo lắng
sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực sẽ không được giải quyết, ảnh hưởng đến quyền lợi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo ghi nhận của PV, một trong những nguyên nhân khiến người lao động (NLĐ) quyết định rút BHXH một lần là do cần tiền trang trải khó khăn trước mắt. Tuy vậy, một số người lại chủ động nghỉ việc, chờ rút BHXH một lần vì lo sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực sẽ không còn được rút nữa.

Chưa cần tiền cũng rút BHXH một lần

Anh NHT (40 tuổi, ngụ Đồng Nai) đến cơ quan BHXH TP Thủ Đức (TP.HCM) nộp hồ sơ rút BHXH một lần. Vừa điền giấy anh vừa kể đây là lần thứ hai làm thủ tục này. Trước đó, anh làm công nhân ở TP Thủ Đức và tham gia BHXH được 15 năm. Sau khi nghỉ việc, anh đã rút BHXH một lần lần thứ nhất.

Người dân đến làm thủ tục nhận BHXH một lần tại cơ quan BHXH TP Thủ Đức.
Người dân đến làm thủ tục nhận BHXH một lần tại cơ quan BHXH TP Thủ Đức.
Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Tuy nhiên, do kinh doanh tại nhà không thành công nên anh đi làm công nhân trở lại, đóng BHXH năm năm thì nghỉ việc. “Tôi biết tham gia BHXH 20 năm thì khi về già sẽ có lương hưu, tuy vậy lại không rõ sau này lương bao nhiêu, có đủ sống không… Nên thay vì cứ thắc mắc vậy, tôi rút một lần cho khỏe” - anh T chia sẻ.

Theo thống kê của cơ quan BHXH TP.HCM, tính đến tháng 10-2023, TP.HCM có hơn 95.000 người rút BHXH một lần, tăng 4,71% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tháng 10-2023 có 9.300 người rút BHXH một lần, tăng hơn 811 người so với tháng 9.

Tương tự, anh TVS (38 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cũng đến cơ quan BHXH TP Thủ Đức làm hồ sơ rút BHXH một lần. Anh làm công nhân được tám năm ở Khu công nghệ cao, đến tháng 11-2022 anh nghỉ việc, về mở tiệm kinh doanh.

“Đến nay đã đủ 12 tháng nghỉ việc nên tôi đến làm thủ tục rút BHXH một lần. Chưa biết sẽ dùng tiền vào việc gì nhưng thấy nhiều người rút nên tôi làm theo, kẻo sau này không rút được” - anh S nói.

Còn chị PNT (43 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) trước đây làm công nhân, đóng BHXH bắt buộc được 10 năm. Cuối năm 2022, công ty cắt giảm nhân sự nên chị mất việc, xin làm công việc thời vụ, chờ đủ thời gian thì rút BHXH một lần.

“Tôi biết sắp tới Luật BHXH sẽ sửa, có phương án không cho NLĐ rút BHXH một lần hoặc chỉ được rút 50% nên ráng làm thời vụ để đủ điều kiện giải quyết nhận BHXH một lần trước khi luật mới có hiệu lực” - chị T nói.

Nên chọn phương án hợp lý

Theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần theo Nghị quyết 93/2015/QH13 của Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2016-2021 cả nước có trên 4 triệu NLĐ đề nghị và được giải quyết rút BHXH một lần.

Như vậy, bình quân mỗi năm có gần 700.000 người rút BHXH một lần, năm sau cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%/năm. Đáng nói là người rút BHXH một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 (chiếm 77,5%), tiếp đó là nhóm tuổi từ trên 20 đến đủ 30.

Tại hội nghị góp ý Luật BHXH (sửa đổi) do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Minh Hòa, Giám đốc BHXH TP Thủ Đức, cho biết theo thống kê, số người rút BHXH một lần tại TP Thủ Đức từ năm 2021 đến tháng 9-2023 là hơn 43.000 người. Hiện TP Thủ Đức đã chi trả trợ cấp BHXH và lương hưu hằng tháng cho hơn 31.000 người.

“Năm 2022 có hai thời gian cao điểm NLĐ rút BHXH một lần ở TP Thủ Đức. Nhìn dòng người xếp hàng dài làm thủ tục đồng nghĩa với rất nhiều NLĐ sẽ không được hưởng chế độ hưu trí khi về già. Chúng tôi có bố trí bàn tư vấn để NLĐ tiếp tục tham gia nhưng cứ 100 người được tư vấn thì chỉ có khoảng 6-8 người đồng ý tiếp tục” - bà Hòa cho hay.

Cũng theo bà Hòa, có nhiều nguyên nhân khiến NLĐ rút BHXH một lần như giải quyết khó khăn trước mắt, hoặc thấy nhiều người rút nên cũng rút theo dù chưa biết tiền nhận được sẽ dùng vào việc gì. Một số người rút do lo sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực sẽ không giải quyết rút BHXH một lần, cũng có người cho rằng nếu chỉ cho rút 50% thì không công bằng, do đó rút sớm để được nhận suốt quá trình tham gia.

“Từ thực tế trên, tôi đề xuất nên áp dụng chính sách rút BHXH một lần theo phương án 1, tức là nhóm tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến ngày 1-7-2025) sẽ được rút một lần toàn bộ thời gian đã đóng” - bà Hòa nêu.

Hai phương án rút BHXH một lần

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sau khi lấy ý kiến đã đưa ra hai phương án rút BHXH một lần.

Phương án 1, nhóm 1 gồm những người đã tham gia BHXH trước khi luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến ngày 1-7-2025), sau 12 tháng có nhu cầu thì được rút BHXH một lần. Nhóm 2, những người đóng BHXH sau thời điểm luật có hiệu lực không được rút một lần, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Phương án 2, NLĐ đóng BHXH dưới 20 năm, sau một năm không tham gia BHXH được rút một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm