Không còn tiền, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy gặp khó khi phá sản

(PLO)- Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy và các công ty con gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm thủ tục phá sản vì các khoản nợ chồng chất.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) và 7 công ty con thực hiện các thủ tục phá sản nhưng quá trình này còn gặp nhiều khó khăn.

Đã nộp hồ sơ nhưng phải chờ toà

Theo Bộ GTVT, cuối năm 2023, Chính phủ giao bộ chỉ đạo các doanh nghiệp trên thực hiện thủ tục phá sản trong quý I-2024. Đơn vị đã tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với tập thể lãnh đạo, người lao động của công ty mẹ - SBIC, công ty con và một số đơn vị thành viên để thực hiện phổ biến, quán triệt chủ trương, đối với việc xử lý phá sản các doanh nghiệp SBIC.

Song song đó, Bộ GTVT cũng chỉ đạo SBIC đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, xúc tiến, tìm kiếm các hợp đồng đóng mới, sửa chữa tàu… để đảm bảo quỹ việc làm, thu nhập, ổn định tâm lý, ổn định đời sống và chế độ cho người lao động.

Về lộ trình xử lý phá sản, ngày 2-4-2024, công ty mẹ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản lên Tòa án nhân dân (TAND) Hà Nội để được xem xét, xử lý. Tuy nhiên, toà yêu cầu bổ sung, hoàn thiện đơn và công ty mẹ đang thực hiện.

Các công ty con còn lại cũng đã thực hiện nộp đơn phá sản gồm: Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long, Công ty TNHH MTV Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn, Công ty TNHH MTV CNTT Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long.

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục phá sản. Ảnh: V.LONG
Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục phá sản. Ảnh: V.LONG

Về một số dự án đất đai của SBIC, Bộ GTVT đang tích cực phối hợp để xử lý tại các địa phương như thu hồi đất của Công ty cổ phần Hoàng Anh tại Khu công nghiệp Mỹ Trung (Nam Định); thu hồi đất của Công ty CNTT Quảng Bình (Quảng Bình); thu hồi đất của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long tại TP Hạ Long và thu hồi khu đất của Công ty Đóng tàu Phà Rừng (Quảng Ninh).

“Như vậy, Bộ GTVT đang bám sát chỉ đạo của Chính phủ. Đến nay, chưa có đơn thư khiếu nại lớn liên quan đến chủ trương xử lý SBIC”- Bộ GTVT cho hay.

Tuy nhiên, bộ nhận định quá trình thực hiện xử lý SBIC do số lượng doanh nghiệp lớn, địa bàn hoạt động trải rộng khắp cả nước (23 tỉnh, thành) nên việc xử lý các doanh nghiệp tại tòa có thể gặp một số khó khăn.

Cụ thể, một số doanh nghiệp không thể cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu tại thời điểm nộp theo yêu cầu của toàn án do dừng hoạt động từ lâu, thậm chí có doanh nghiệp dừng hoạt động từ năm 2010. Nhiều doanh nghiệp không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với người lao động và chi trả các chi phí hoạt động của doanh nghiệp nên không đủ điều kiện phá sản.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp thành viên SBIC hết sạch tiền, không có tiền nộp phí tạm ứng chi phí phá sản theo quy định. Theo đó, công ty mẹ đang phải thực hiện ký đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và nộp phí.... thay cho các doanh nghiệp con.

Số tiền nợ bảo hiểm chồng chất

Theo Bộ GTVT, hiện mức lương của người quản lý, người lao động tại công ty mẹ và các công ty TNHH MTV là tiền lương chế độ nên khá thấp. Để giữ lực lượng lao động có chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, duy trì đóng và sửa chữa tàu, thực hiện tái cơ cấu, công ty mẹ và các công ty thành viên còn sản xuất kinh doanh đã và đang trả lương theo khối lượng sản phẩm hoàn thành và đơn giá tiền lương tính theo mặt bằng lương trên thị trường.

Tuy nhiên, quỹ tiền lương thực tế công ty mẹ và các Công ty TNHH MTV thuộc SBIC tạm chi trả cho người quản lý, người lao động từ năm 2014 đến nay chưa được quyết toán.

Thêm vào đó, một số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trước năm 2013 quá lớn, riêng tiền lãi của khoản khoanh nợ đến nay tăng trên 150% trong vòng 10 năm.

SBIC - tiền thân là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) gồm công ty mẹ và 7 công ty con. Từ năm 2014 đến 2023, SBIC không trực tiếp sản xuất kinh doanh, chỉ thực hiện quản lý, điều hành chung, định hướng hoạt động.

Việc nợ tiền bảo hiểm nêu trên dẫn đến người lao động chưa được giải quyết kịp thời các chế độ. Song song đó, BHXH các tỉnh thực hiện chế tài xử phạt đối với các đơn vị chỉ còn nợ tiền bảo hiểm được khoanh. Do đó hiện nay, các doanh nghiệp đang phải chịu sức ép lớn trong việc giải quyết chế độ bảo hiểm đối với người lao động.

Với những khó khăn đó, Bộ GTVT vừa kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH có cơ chế được khoanh nợ bảo hiểm và miễn lãi chậm đóng. Song song đó, cho chủ trương sử dụng ngân sách Nhà nước trong trường hợp nguồn thu từ phá sản không đủ để giải quyết đầy đủ chế độ cho người lao động tại các doanh nghiệp thuộc SBIC.

Thêm vào đó, cho người lao động, người quản lý công ty mẹ và các công ty thuộc SBIC được quyết toán quỹ tiền lương theo số thực chi trên báo cáo tài chính đã được SBIC phê duyệt hoặc đã được kiểm toán đối với giai đoạn 2014-2023. Từ 2024 trở đi, tiền lương được xác định trên cơ sở kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của từng đơn vị.

Bộ GTVT cũng đề nghị Thủ tướng có ý kiến với TAND Tối cao hướng dẫn cho TAND các cấp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của SBIC và các doanh nghiệp thành viên.

Có sự khác nhau trong xử lý của tòa án các cấp

Bộ GTVT cho biết qua quá trình làm việc trực tiếp với một số tòa án địa phương về quan điểm xử lý của tòa nhận thấy có nhiều khác biệt. Đặc biệt, một số tòa án thông báo khi triển khai các bước mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp có thể bị yêu cầu phải hạn chế tối đa hoặc dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để kiểm đếm xác định giá trị tài sản và công nợ của các chủ nợ.

Tuy nhiên, hiện nay một số doanh nghiệp thành viên SBIC đang hoạt động ổn định, có nhiều hợp đồng, có đơn vị có hợp đồng đóng tàu đến hết năm 2027, nếu bị dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng lớn đến các hợp đồng đã ký kết và tâm lý người lao động.

Chưa hết, việc xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của một số TAND các tỉnh, thành còn chậm. Công tác phá sản doanh nghiệp kéo dài làm ảnh hưởng đến quản lý doanh nghiệp, phát sinh nhiều chi phí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm