Không được trình văn bản nếu chưa qua cửa Sở Tư pháp TP

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm vừa yêu cầu giám đốc các sở Tư pháp, Nội vụ; các thủ trưởng sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận - huyện có biện pháp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trước đó, Sở Tư pháp đã tổ chức kiểm tra văn bản năm 2016 và phát hiện 13 văn bản của HĐND, UBND nhiều quận - huyện cùng 26 văn bản do UBND TP ban hành có dấu hiệu chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Đơn cử ngày 6-6-2016, UBND quận Gò Vấp ra quy chế vận động bốc mộ, cải táng, hỏa táng các khu thổ mộ, nghĩa trang trên địa bàn quận Gò Vấp. Đây là văn bản cá biệt song quận Gò Vấp lại tự ý đặt thêm thủ tục hành chính trong bốc mộ, cải táng, hỏa táng. Đến nay, sau khi Sở Tư pháp kiểm tra thì quận Gò Vấp đã có quyết định mới thay thế.

Tương tự, quận Thủ Đức có hai văn bản được ban hành có một sai sót nên cũng được lưu ý rút kinh nghiệm.

Ở cấp quận - huyện, HĐND quận 7 chiếm đầu bảng với 3 văn bản là các nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, chương trình hoạt động giám sát với thể thức văn bản, thẩm quyền ban hành văn bản chưa phù hợp. Sau khi Sở Tư pháp có ý kiến thì phía quận 7 đã có các quyết định bãi bõ các nghị quyết nêu trên.

Theo thông báo của UBND TP, trong số các văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp với quy định của pháp luật được ban hành trong năm 2016 thì UBND TP có đến 26 văn bản. Trong số này, một số cơ quan tham mưu đề nghị UBND TP ban hành văn bản quy định hiệu lực trở về trước.

Đơn cử, quyết định 16/2016 trong lĩnh vực quản lý thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới, quyết định 17/2016 quy định mức hỗ trợ thường xuyên và trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng dân phòng đều ban hành vào ngày 13-5-2016 nhưng quy định hiệu lực trở về trước 12 ngày kể từ ngày ký.

Hai quyết định của UBND TP.HCM ban hành năm 2016 quy định  ngày có hiệu lực trở về trước 12 ngày kể từ ngày ký là sai luật. Ảnh: MP

Theo UBND TP, các văn bản này không tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Nội dung các quyết định cũng phù hợp với các quy định hiện hành. Tuy nhiên, hai quyết định trên không phù hợp với quy định Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 quy định các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp tỉnh có hiệu lực sau 10 ngày và kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành. Trường hợp cần thiết giải quyết ngay các vấn đề phát sinh đột xuất, khẩn cấp (theo Điều 47 của Luật này) thì có thể quy định ngày có hiệu lực sớm hơn nhưng không được quy định hiệu lực trở về trước.

Các văn bản còn lại hầu hết là sai sót về mặt kỹ thuật trình bày như không quy định cụ thể thời điểm có hiệu lực của quyết định, không đảm bảo trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để khắc phục hậu quả, Sở Tư pháp đã tham mưu, trình UBND TP ban hành các văn bản đính chính.

Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm lưu ý các đơn vị tuân thủ quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các sở, ngành không được trình UBND TP ban hành các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khi chưa có ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp và phải đảm bảo về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cạnh đó còn phải chú ý về mặt thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản, thời điểm có hiệu lực. “Đối với các văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp đã được phát hiện trong năm 2016, Sở Tư pháp khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND TP xem xét, xử lý” - ông Liêm giao nhiệm vụ.

Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng được giao tăng cường công tác tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ công chức sở, ngành, quận huyện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm