“Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) có thể tuyên bố lập một vùng cấm bay. Chúng tôi đang làm việc với ICAO để tìm cách bảo vệ các hoạt động bay tại khu vực này” - ông Alexandre de Juniac, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), phát biểu tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 5-12.
“ICAO đang nỗ lực thực thi và yêu cầu Triều Tiên tuân thủ các quy tắc về an toàn. Nếu nhìn vào không phận Triều Tiên, bạn có thể thấy không có quá nhiều máy bay bay qua” - ông Alexandre de Juniac cho biết.
Tên lửa Hwasong-15 Triều Tiên phóng hôm 29-11. Ảnh: RODONG SINMUN
Một phát ngôn viên của IATA cho biết Triều Tiên có nghĩa vụ phải thông báo về các vụ phóng tên lửa của nước này trước khi tiến hành để các hãng hàng không kịp thời điều chỉnh đường bay. Tuy nhiên, cho đến nay Bình Nhưỡng vẫn phớt lờ yêu cầu này. Do đó, các hãng hàng không buộc phải chủ động đánh giá rủi ro để điều chỉnh khoảng cách an toàn giữa các máy bay của hãng và không phận Triều Tiên.
Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, mặc dù hiện không có hãng bay quốc tế nào khai thác không phận Triều Tiên nhưng khu vực xung quanh không phận nước này lại có nhiều chuyến bay hoạt động.
Việc thiết lập vùng cấm bay phương án được các cơ quan an toàn hàng không tính đến để đề phòng các tên lửa mà Triều Tiên phóng đi có thể va chạm với các tuyến hàng không thương mại nhộn nhịp giữa khu vực châu Á và Bắc Mỹ.
Trước đó, phi hành đoàn trên chiếc máy bay của hãng hàng không Cathay Pacific Airways của Hong Kong cho biết họ đã nhìn thấy vật thể mà họ cho là tên lửa đạn đạo của Triều Tiên lúc nó bay trở lại bầu khí quyển của Trái đất hôm 29-11. Chiếc máy bay khi đó đang ở gần Nhật Bản trên đường bay từ San Francisco về Hong Kong. Tuy nhiên, Cathay Pacific ngày 4-12 tuyên bố vẫn chưa có kế hoạch thay đổi đường bay.
Một số hãng hàng không châu Âu như Lufthansa của Đức và Air France của Pháp từng phải điều chỉnh các tuyến bay sau những vụ thử nghiệm tên lửa trước đây của Bình Nhưỡng để đảm bảo an toàn cho chuyến bay.