Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Theo đó, liên quan đến tăng tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động (dự luật), Bộ LĐ-TB&XH cho biết dự luật trong kỳ họp thứ 8 (tháng 10 tới đây) sẽ rút một phương án tăng tuổi nghỉ hưu, giữ lại một phương án (từ 1-1-2021, mỗi năm tăng ba tháng với nam, bốn tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035, tuổi nghỉ hưu của của nam là 62 vào năm 2028).
Dự thảo Bộ luật Lao động tới đây chỉ còn một phương án tăng tuổi nghỉ hưu.
Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết hiện đơn vị đang rà soát các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để ban hành danh mục thống nhất các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn. Dự kiến tháng 9-2019 đơn vị sẽ hoàn thành.
Đối với một số công việc có tính chất đặc thù như xiếc, thể thao, nghệ thuật sân khấu, giáo viên mầm non… sẽ được quy định theo hướng khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù người lao động sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp, trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được thì có quyền nghỉ hưu sớm.
Đối với trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định thực chất quy định đang áp dụng cho khu vực Nhà nước và được thực hiện theo quyết định, chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu cao hơn (nữ 60, nam 62-PV) cho những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý.
“Trong đó đảm bảo ba nguyên tắc chỉ làm công việc chuyên môn, không giữ các chức vụ, chức danh lãnh đạo; cơ quan có nhu cầu sử dụng; cá nhân có nguyện vọng và có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc….” - Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Công chức, viên chức, làm việc 48 giờ/tuần Về thời giờ làm việc bình thường trong dự luật (Điều 106), Bộ LĐ-TB&XH khẳng định đây là vấn đề lớn, hệ trọng. Bộ luật Lao động hiện hành đang quy định thời giờ làm việc tối đa không quá 48 giờ trong một tuần và khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Chính phủ (với tư cách người sử dụng lao động) đã quy định tuần làm việc 40 giờ đối với cán bộ, công chức là phù hợp khi tiền lương khu vực hành chính nhà nước được coi là thấp hơn so với khu vực thị trường. “Nên Ban soạn thảo đề nghị trước mắt giữ nguyên quy định giờ làm việc bình thường 48 giờ/tuần như dự thảo đã được Chính phủ trình Quốc hội…”. |