Không xử lý 2 công chứng viên vụ nhận sang tên đất rồi bán luôn

(PLO)- Theo HĐXX, tòa sơ thẩm đã trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ trách nhiệm hai công chứng viên nhưng không có căn cứ, tài liệu nào khác chứng minh. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-7, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, bác kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của VKSND cùng cấp, tuyên y án sơ thẩm bị cáo Trịnh Trường Giang 18 năm tù, Trần Thanh Hải bảy năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo nội dung vụ án, bà Đặng Thị Tuyết là chủ sở hữu của thửa đất tại quận Gò Vấp. Ngày 9-1-2018, bà Tuyết ký hợp đồng đặt cọc bán thửa đất giá 12 tỉ đồng cho ba người hùn vốn mua chung.

Hai bên thống nhất giao cho Trịnh Trường Giang thực hiện hợp đồng dịch vụ sang tên, tách thửa… Sau khi nhận giấy tờ, Giang đưa bản chính cho Hải cất giữ, còn Giang mang bản photo đến gặp ông Hà Ngọc Diện đề nghị bán giá hơn 18 tỉ đồng.

Bị cáo Trịnh Trường Giang tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: AX
Bị cáo Trịnh Trường Giang tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: AX

Sau khi nhận tiền từ ông Diện, Giang nhờ Nguỵ Cao Khánh là nhân viên Văn phòng công chứng (VPCC) Đầm Sen soạn hợp đồng uỷ quyền. Lấy lý do bà Tuyết già yếu, không tự đi lại được nên Giang và ông Diện ký hợp đồng ngoài trụ sở.

Khoảng 10 ngày sau, Giang mang hợp đồng ủy quyền có có chữ ký, chứng thực của ông Nguyễn Duy Thức (công chứng viên VPCC Đầm Sen) và bà Tuyết đến nói với ông Diện đã ký xong hợp đồng ủy quyền. Sau khi có hợp đồng ủy quyền, ông Diện chuyển nhượng thửa đất trên ông Hà Ngọc Hùng.

Theo kết luận giám định, chữ ký, chữ viết; dấu vân tay trên các hợp đồng ủy quyền đều không phải của bà Tuyết. Bà Tuyết cũng trình bày, không ký hợp đồng ủy quyền nào.

Tại phiên tòa, VKSND Cấp cao tại TP.HCM giữ nguyên quan điểm và đề nghị HĐXX hủy án do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và người phạm tội đối với hai công chứng viên Ngụy Cao Khánh và Nguyễn Duy Thức.

Theo VKS, hành vi của họ vi phạm quy định Luật Công chứng dẫn đến việc hai bị cáo chiếm đoạt 18,5 tỉ đồng. Khánh, Thức có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cạnh đó, Điều 38 Luật Công chứng năm 2015 quy định về bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng, thì “tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại... do lỗi của công chứng viên... của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng”. VKS đề nghị HĐXX buộc VPCC có trách nhiệm liên đới bồi thường cho bị hại.

HĐXX phúc thẩm nhận định quá trình xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã làm hết trách nhiệm khi trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ hành vi của công chứng viên và trách nhiệm của VPCC. Theo KLĐT bổ sung, không có căn cứ, tài liệu nào khác chứng minh trách nhiệm hình sự của hai nhân viên công chứng.

Tòa sơ thẩm chỉ xét xử bị cáo về những hành vi theo tội danh VKS truy tố và quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tòa sơ thẩm đã kiến nghị Sở Tư pháp TP.HCM có biện pháp xử lý trách nhiệm VPCC theo quy định pháp luật là phù hợp.

Đối với việc xác định hành vi sai phạm của hai công chứng viên, HĐXX xét thấy cần tiếp tục kiến nghị Công an TP.HCM làm rõ, nếu có dấu hiệu tội phạm thì xử lý theo quy định pháp luật.

HĐXX cũng tuyên y án sơ thẩm, buộc bị cáo Giang trả cho ông Diện số tiền còn lại 9,6 tỉ đồng; tuyên hủy hợp đồng ủy quyền giữa bà Tuyết và ông Diện do giả mạo chữ ký; buộc ông Diện và ông Hùng trả lại giấy tờ nhà đất cho bà Tuyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm