“Bộ Công thương không vô can”. Bạn đọc tên Trang gửi phản hồi như trên đến báo Pháp Luật TPHCM sau khi Bộ Công thương cho rằng: Nguyên nhân cốt lõi nhất dẫn đến những khó khăn trong tiêu thụ của ngành chăn nuôi heo thời gian qua là do các hộ nông dân tăng đàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bất chấp các cảnh báo rủi ro từ Bộ Công Thương”.
Theo đó, bạn đọc Trang phân tích: Người nông dân tay lầm chân bùn, họ giỏi tăng gia sản xuất, nhưng tầm nhìn về thị trường đối với họ thì còn rất hạn hẹp. Khi có người đến gõ cửa từng nhà đặt mua hết sản phẩm này đến sản phẩm phẩm khác với giá hời với người nông dân là họ làm ngay.
Họ đâu biết rằng thương lái không hẳn là đầu ra chắc chắn và an toàn đối với họ.
Bộ Công Thương với tầm nhìn bao quát thị trường trong nước và quốc tế, chí ít cũng phải nắm được thông tin nhu cầu thật - giả đối với một loại sản phẩm nào đó trong một thời gian xác định để có những quyết sách cung - cầu phù hợp; Hoặc phải nắm được bản chất của vấn đề khi nảy sinh các yếu tố đáng ngờ trong các thương vụ, để có “cảnh báo và ngăn chặn kịp thời” từ khâu lưu thông hàng hóa đến khâu thanh toán.
Không phải đổ lỗi cho Bộ Công Thương trong chuyện sản xuất của nông dân “cung vượt cầu”. Nhưng việc để cho người nông dân tự bơi khi mua bán với nước ngoài dẫn đến thua lỗ, nợ nần có hệ thống, thì Bộ Công Thương không thể vô can!
Cả một hệ thống giám sát thị trường, các đại diện thương mại, thương vụ ở nước ngoài không thiếu, nhưng vẫn để cho khủng hoảng dư thừa kiểu này là rất khó được chấp nhận. Nó đòi hỏi người có trách nhiệm phải quan tâm hơn nữa đến lợi ích đất nước và người dân.
“Không lẽ cả bộ máy quản lý cấp Bộ mà để cho mấy thương lái Trung Quốc dẫn dắt thị trường trong nước như vậy hay sao?”, bạn đọc Trang đặt vấn đề.
Người dân đang mua bán thịt heo- Ảnh: Quang Huy
Trước đó ngày 27-4, Bộ Công Thương đã có cuộc họp khẩn tìm các giải pháp cấp bách và lâu dài để tháo gỡ câu chuyện đầu ra và giải bài toán heo hơi rớt giá.
Tại cuộc họp, các ý kiến đều cho rằng nguyên nhân cốt lõi nhất dẫn đến những khó khăn trong tiêu thụ của ngành chăn nuôi heo thời gian qua là do các hộ nông dân tăng đàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bất chấp các cảnh báo rủi ro từ Bộ Công Thương, khiến nguồn cung thịt heo nội địa vượt quá nhu cầu trong nước.
Khi Trung Quốc tăng cường giám sát, phòng chống hoạt động nhập khẩu hàng hóa (trong đó có lợn sống) trái phép qua biên giới đất liền, hoạt động xuất khẩu heo sống qua biên giới phía Bắc sang Trung Quốc ngay lập tức bị ảnh hưởng, càng gây sức ép lên giá thịt heo trong nước.