Hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) đã sáng tạo, biến nhiều phụ phẩm và sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành những mặt hàng độc đáo, có giá trị cao. Điển hình như tinh dầu cám gạo, tinh dầu hoa sen, tinh dầu dừa…
Tạo ra sự khác biệt
Ông Tiền Gia Trí, Giám đốc Công ty Dầu dừa Mekong Special Product, kể sau một thời gian dài quan sát thị trường, ông nhận thấy nông sản là một trong những ngành hàng rất đa dạng và phong phú ở Việt Nam nhưng chủ yếu bán thô với giá trị thấp, phế phẩm sau thu hoạch bị bỏ đi rất lãng phí.
Nhân một người bạn trong nhóm rủ làm dầu dừa, ông gật đầu ngay. Bởi trước đó ông tìm hiểu thì thấy dầu dừa không những có công dụng tuyệt vời để chăm sóc sắc đẹp như tóc, da, mi… mà còn tốt cho sức khỏe khi làm dầu ăn. Điều này đã được các nhà khoa học thế giới chứng minh.
Tuy vậy, ông Trí thừa nhận đây là mặt hàng mới nên ban đầu việc tiêu thụ còn gặp khó khăn. “gần đây, người tiêu dùng bắt đầu thích và ủng hộ. Riêng ở các sân bay quốc tế, nơi có nhiều khách nước ngoài và Việt kiều thì dầu dừa bán khá chạy. Bên cạnh đó nhu cầu ở thị trường nước ngoài cũng rất lớn” - ông Trí thông tin.
Một số sản phẩm như tinh dầu cám gạo, tinh dầu dừa… được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Ảnh: TÚ UYÊN
Công ty TNHH Cỏ May ở Đồng Tháp đã áp dụng thành công công nghệ cao để chế biến một số sản phẩm cao cấp như tinh dầu từ cám gạo, tinh dầu hoa sen. Một tập đoàn của Nhật đã đặt vấn đề muốn bao tiêu toàn bộ sản phẩm này. Ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, cho hay cơ duyên để công ty cho ra đời sản phẩm trên bắt đầu từ khi công ty có nhu cầu sử dụng cám trích béo trong thức ăn chăn nuôi.
“Tôi tự hỏi tại sao mình không trích béo ra dầu cám để bán, phần còn lại dùng vào việc khác. Kiểu gì chẳng lời. Cái quan trọng nhất để thuyết phục người dùng là phải tạo ra sự khác biệt, không đụng hàng và chất lượng sản phẩm tốt. Ví dụ khi lấy hoạt chất nào ra thì nó phải 100% thuần khiết và không được can thiệp bằng hóa chất” - ông Thiện chia sẻ.
Rác thành dầu, bã mía thành nước tinh khiết
Vỏ hạt điều trước đây chỉ được coi là rác để làm chất đốt sau khi các DN tách lấy nhân xuất khẩu. Thế nhưng trong những năm gần đây các DN ngành điều đã chiết xuất từ vỏ hạt điều ra loại dầu có giá trị, mỗi năm mang về 200 triệu USD.
Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Nguyễn Đức Thanh thông tin hiện có khoảng 10 công ty đầu tư công nghệ chưng cất dầu cardanol từ dầu vỏ hạt điều. Đây là nguồn nguyên liệu rất cần cho các ngành công nghiệp quan trọng, đơn cử như sản xuất lớp phủ chống ăn mòn trong ngành cơ khí, chế tạo hay sản xuất sơn cao cấp chống gỉ sét trong ngành công nghiệp tàu biển. Giá xuất khẩu mỗi tấn dầu từ vỏ hạt điều từ 350 đến 600 USD tùy loại.
“Việc đầu tư công nghệ chế biến phế phẩm thành mặt hàng có giá trị gia tăng cao giúp DN gia tăng lợi nhuận từ hạt điều, giảm giá thành sản xuất, cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu khác như Ấn Độ. Ngoài ra, việc đầu tư này còn tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, giảm thiểu ô nhiễm môi trường” - ông Thanh đúc kết.
Mía không chỉ sản xuất ra đường, bã mía làm điện sinh khối, phân vi sinh… mà Tập đoàn TTC còn đầu tư công nghệ làm ra sản phẩm “độc” là nước uống tinh khiết chưng cất từ quá trình sản xuất đường. Nước tinh khiết này có hương mía đặc trưng, được xử lý qua hệ thống thẩm thấu ngược và ozon, thanh trùng bằng tia cực tím. Sản phẩm nước tinh khiết đóng chai hương mía đã chính thức tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.
Tiềm năng lớn
Ông Thiện nhận định tiềm năng của các sản phẩm tinh chế từ nông sản sau thu hoạch rất phong phú. “Thị trường này được ví như mỏ dầu thô vậy. Chẳng hạn hiện nay các DN thức ăn chăn nuôi phải bỏ ngoại tệ ra nhập bột huyết rất nhiều trong khi máu cá trong quá trình chế biến xuất khẩu rất lớn, do vậy chúng ta có thể biến máu cá thành sản phẩm cho thức ăn chăn nuôi. Sen, gấc, gừng, nghệ…cũng đều có thể chế biến thành tinh dầu” - ông Thiện ví dụ.
Cũng theo ông Thiện, hiện nay nhiều sản phẩm như sơn chống cháy, chống đạn... được làm từ trấu. Hoạt chất kháng oxy hóa chiết xuất từ cám gạo được dùng trong dược, mỹ phẩm… “DN chỉ cần làm một sản phẩm ngách, cung ứng được cho toàn cầu thì cơ hội phát triển lớn. Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu khâu nghiên cứu phát triển, biến phụ phẩm nông nghiệp thành những sản phẩm thực thụ. Mặt khác, DN cần bắt tay với các viện, trường để cùng phát triển sản phẩm” - ông Thiện gợi ý.
Xuất khẩu sản phẩm cao cấp Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng, cho hay phụ phẩm như mỡ bụng cá, đầu, xương cá… chiếm tới 60%-70% trọng lượng con cá tra. Để tận dụng các phụ phẩm này, công ty đã đầu tư công nghệ chế biến phụ phẩm thành các sản phẩm có giá trị cao như dầu cá, bột cá xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia… “Việc khai thác mọi sản phẩm từ con cá tra đã giúp công ty tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, có giá xuất khẩu cạnh tranh” - ông Đạo cho biết. Nhà nước nên áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt như hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, đơn giản hóa thủ tục, miễn giảm thuế DN ở mức cao nhất,... để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến phụ phẩm nông nghiệp. Ông TRẦN QUANG THẮNG, Viện trưởng Viện Kinh tế |