Trong 2 ngày 11 và 12-7, đoàn công tác của Bộ TN&MT đã làm việc với hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai về tình hình triển khai các quy định pháp luật về phòng chống thiên tai (PCTT) và thi hành pháp luật khí tượng thủy văn.
Sau kiểm tra thực tế tại địa phương, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh Gia Lai. Thứ trưởng đánh giá cao sự chủ động trong công tác PCTT, góp phần giảm thiểu thiệt hại xảy ra trên địa bàn.
Thứ trưởng Lê Công Thành kiểm tra hồ đập tại huyện Chư Sê, Gia Lai. |
Theo báo cáo của tỉnh Kon Tum, năm 2021, thiệt hại do thiên tai gây ra gần 127 tỉ đồng. Tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo các địa phương, đơn vị huy động lực lượng, nguồn lực để tập trung PCTT và hỗ trợ 30 tỉ đồng khắc phục, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt cho người dân.
Về động đất trên địa bàn huyện Kon Plông, từ năm 2021 đến nay xảy ra 169 trận động đất từ 2.5 độ richter trở lên, mạnh nhất vào ngày 18-4-2022 với 4,5 độ richter. Mặc dù chưa gây thiệt hại về người nhưng các đợt rung chấn gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho một số người dân, nhất là đối với người đồng bào dân tộc thiểu số vùng tâm chấn.
Do địa phương có nhiều nơi nằm trong vùng nguy cơ, UBND tỉnh Kon Tum đã báo cáo và đề xuất 27 dự án cần đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, nhằm tái định cư, ổn định cuộc sống cho hơn 2.500 hộ dân với khoảng 10.000 nhân khẩu. Dự kiến tổng kinh phí 880 tỉ đồng.
Tại Gia Lai, trong năm 2021, chịu ảnh hưởng của chín đợt thiên tai, thiệt hại hơn 260 tỉ đồng. Trong đó, có hai đợt hạn hán khiến 18.840 ha diện tích cây trồng bị ảnh hưởng; mưa dông, lốc, sét, bão… làm 13 người bị thương vong, 326 nhà dân bị sập, tốc mái và hơn 1.800 ha lúa, hoa màu bị hư hại.
Để hỗ trợ, khắc phục ảnh hưởng thiên tai, tỉnh Gia Lai đã chi hơn 24 tỉ đồng hỗ trợ các địa phương. Đồng thời, triển khai ba dự án bố trí dân cư vùng thiên tai với kinh phí hơn 49 tỉ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thời tiết cực đoan trên địa bàn khiến một người chết, 81 căn nhà hư hỏng, tốc mái; 362 ha cây trồng bị hư hỏng, ngã đổ… thiệt hại gần 49 tỉ đồng.
Tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành hỗ trợ kinh phí để xử lý khẩn cấp sạt lở đê, bờ sông, suối và di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy hiểm. Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng một số hồ chứa khác trên lưu vực sông Ba để nâng cao khả năng tích nước, cắt lũ vào mùa mưa và tích nước phục vụ sản xuất sinh hoạt vào mùa khô.
Đặc biệt, xem xét ưu tiên dự án nạo vét, mở rộng đoạn sông Ba khu vực chân đèo Tô Na để giảm ngập cho vùng rốn lũ thị xã Ayun Pa.
Đoàn công tác ghi nhận các kiến nghị của hai địa phương, sẽ tổng hợp báo cáo với Bộ trưởng Bộ TN&MT xem xét, hỗ trợ, nâng cao năng lực công tác PCTT, khí tượng thuỷ văn và kiến nghị Chính phủ xem xét, giải quyết đề xuất theo quy định của pháp luật.
Qua buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng và ứng phó, khắc phục kịp thời các tình huống thiên tai, sự cố xảy ra.
Một điểm sạt lở trên tỉnh lộ 674, huyện Sa Thầy, Kon Tum ảnh hưởng đi lại của người dân. |
Thứ trưởng đề nghị tỉnh Kon Tum cần nghiên cứu và đưa vào sử dụng thiết bị điện thoại vệ tinh đối với khu vực dễ bị lũ chia cắt để nắm bắt thông tin, sẵn sàng phương án ứng phó. Cần chia sẻ bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với Tổng cục Khí tượng Thủy văn để trao đổi, phục vụ PCTT trên địa bàn tốt hơn.
Với tỉnh Gia Lai, Thứ trưởng đề nghị rà soát, cập nhật các điểm xung yếu khi xảy ra thiên tai để xây dựng kế hoạch phòng chống. Đối với một số công trình thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn cao phải xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp, di dời dân cư khỏi vùng nguy hiểm để hạn chế thiệt hại.
Ngoài ra, Gia Lai cũng cần lưu ý việc vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Sê San với nước bạn Campuchia; nâng cao sự phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn với Trung ương và các tỉnh lân cận để hạn chế thiệt hại khi có lũ.