Chiều 1-3, tại TP Phú Quốc, Công an Kiên Giang tổ chức hội nghị sơ kết kế hoạch phối hợp về đấu tranh với các đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép để khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Đây là kế hoạch chung của công an 10 địa phương ven biển Nam Bộ, gồm TP.HCM, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Bình Thuận, và Bà Rịa – Vũng Tàu, ký kết hồi tháng 9 năm ngoái..
Từ sau khi ký kế hoạch phối hợp này, công tác đấu tranh tội phạm gắn với biển và biên giới trên biển của Kiên Giang đã có những chuyển biến tích cực.
Đến nay, Công an Kiên Giang đã xác lập một chuyên án đấu tranh với tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan tố tụng tỉnh Kiên Giang đã khởi tố bốn vụ án, với sáu bị can về các vụ việc vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản.
TAND tỉnh đã đưa ra xét xử một vụ, với bốn đối tượng có hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép để khai thác thủy sản tại vùng biển nước ngoài.
Đại tá Đào Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an Kiên Giang cho biết trên cơ sở kế hoạch phối hợp này, công an các tỉnh, thành phố ven biển đã phối hợp hiệu quả hơn với các lực lượng chức năng liên quan tham mưu xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản trái phép.
Từ thực tiễn phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công an các địa phương đã kiến nghị các cơ quan liên quan thực hiện giám sát đặc biệt đối với các tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm các quy định khác của pháp luật thủy sản.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đánh giá dù các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt chống khai thác IUU, số lượng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và bị bắt vẫn còn ở mức cao.
Vì vậy, ông Quốc Anh đề nghị các tỉnh, thành ven biển Nam Bộ cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, nhất là trong công tác phối hợp trong phòng, chống khai thác IUU. Qua đó cùng Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện thắng lợi mục tiêu “gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC” vào tháng 5-2024.
Báo Pháp Luật TP.HCM cũng đang chia sẻ nỗ lực này của các địa phương bằng chương trình của mình: Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển.
Từ ngày 10 đến ngày 18-10-2023, Đoàn Ủy ban Châu Âu (EC) đến kiểm tra, đánh giá công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam. Đoàn đã đánh giá cao kết quả đạt được của Việt Nam thực hiện các khuyến nghị của EC đưa ra trong đợt kiểm tra trước đó.
Cụ thể, cơ bản hoàn thiện khung pháp lý, đáp ứng yêu cầu thực tế phục vụ công tác quản lý nhà nước chống khai thác IUU, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, đoàn nhận xét vẫn còn tồn tại tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình dài ngày, xử lý vi phạm về IUU còn thấp, số tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài bị bắt vẫn còn ở mức cao.
Từ đó, quan điểm EC là chưa gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU cho Việt Nam và dự kiến sẽ kiểm tra, đánh giá lần 5 vào tháng 5-2024.