Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM:

Thấu hiểu và sát cánh với ngư dân

(PLO)- Năm 2024, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ tiếp tục sát cánh cùng hàng ngàn bà con ngư dân cả nước và đồng hành để tiếp sức cho con em họ đến trường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2023, báo Pháp Luật TP.HCM bắt đầu triển khai chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”. Chia sẻ với quý bạn đọc nói chung và quý bà con ngư dân cả nước nói riêng nhân dịp năm mới 2024, ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình, cho biết hành trình đến với tất cả tỉnh, TP có biển sẽ còn kéo dài với mục đích lớn nhất là sát cánh với gia đình bà con ngư dân vượt qua khó khăn, an tâm vươn khơi bám biển.

Chúng tôi luôn đồng hành

. Phóng viên: Thưa ông, các chương trình thiện nguyện của các tổ chức và doanh nghiệp hướng tới người nghèo cả nước lâu nay có khá nhiều. Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” có điểm gì khác so với các chương trình ấy?

+ Ông Mai Ngọc Phước: Năm 2023, tôi và đoàn công tác “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã đến chín địa phương có biển. Trước tiên, chúng tôi đi với tâm thế tìm hiểu kỹ đời sống, sinh kế của bà con ngư dân; về những khó khăn trong quá trình tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng với ngành hải sản. Những chuyến đi thực tế đã cho chúng tôi thấy một bức tranh tương đối toàn diện, thực tiễn.

Vì có khảo sát và hiểu được thực tiễn nên hoạt động của chúng tôi ở các tỉnh, TP có biển cũng rất đa dạng. Ví dụ khi đến Bà Rịa-Vũng Tàu, giai đoạn đó rất “nóng” chuyện gỡ thẻ vàng khi đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sắp qua, chúng tôi tổ chức hội thảo “Chung tay gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt”. Hay lúc đi khảo sát ở Phú Yên, sau khi nghe ngư dân tâm sự, chúng tôi tổ chức thành công diễn đàn “Đáp lời ngư dân” để lãnh đạo tỉnh lắng nghe và trực tiếp trả lời thắc mắc của bà con. Còn khi đi Bến Tre, địa phương mong muốn được cập nhật tình hình Biển Đông, tình hình gỡ thẻ vàng của EC nên chúng tôi mời chuyên gia đến tận nơi để chia sẻ...

Có thể nói chương trình được chúng tôi thiết kế lấy nhu cầu của bà con ngư dân làm trọng tâm. Tổ chức ra hoạt động nào, thì chúng tôi đều mong muốn sẽ có ích và sát với tâm tư, nguyện vọng của bà con. Ở góc độ vĩ mô, chúng tôi muốn góp phần chung tay gỡ thẻ vàng, gỡ khó cho ngành hải sản nước nhà.

12-Anh-1.jpg
Chương trình “Đáp lời ngư dân” Phú Yên. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tặng quà thiết thực, giá tr

. Bộ quà tặng của chương trình được đánh giá là thiết thực, có giá trị, đa dạng, linh hoạt. Ông có thể lý giải rõ hơn về ý nghĩa của việc Ban tổ chức chọn lựa những món quà cho bà con ngư dân?

+ Bà con lặn lội đường xa, bỏ thời gian đến dự chương trình thì quà tặng vừa có ý nghĩa tinh thần nhưng cũng thiết thực, có giá trị. Bộ quà tặng có bình ắc quy, đèn LED để bà con có thể lắp ngay vào tàu thuyền; túi thuốc y tế để phòng trái gió trở trời trên biển; hay như cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản” cũng được chúng tôi kỳ công soạn thảo, nhờ chuyên gia Luật Biển quốc tế cố vấn để bà con tham khảo những kiến thức cơ bản nhất khi vươn khơi.

Ngoài ra, tùy nhu cầu của địa phương mà chúng tôi tặng thêm các phần quà khác, có nơi chúng tôi tặng áo phao, có nơi thì tặng thêm nhu yếu phẩm…

Hồi đến Ninh Thuận, chúng tôi tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho nhiều ngư dân. Còn đợt đi Bạc Liêu đúng vào dịp Trung thu, chúng tôi tổ chức hội trăng rằm cho các cháu thiếu nhi hoặc như hôm rồi đi Bình Thuận, chúng tôi tặng thêm hàng trăm phần quà gồm tiền mặt và hiện vật để góp thêm vào cái Tết ấm cúng cho bà con…

. Một năm phải đi gần chục tỉnh, TP và thực hiện các hoạt động quy mô, đa dạng như vậy, Ban tổ chức chương trình có gặp nhiều khó khăn không, thưa ông?

+ Áp lực là có, vì hoạt động chính của chúng tôi là làm báo, vừa báo in, báo điện tử và rất nhiều nền tảng số khác. Khi tổ chức chương trình, có những địa phương rất khó khăn, dựng sân khấu ngoài trời nắng nóng nhưng bà con không ngại khó, lặn lội đến dự từ đầu đến cuối, rất phấn khởi. Thế nên không có lý do gì chúng tôi ngại khó, ngại khổ khi làm chương trình.

Sau khi tổ chức hai chương trình đầu ở Cần Giờ và Bà Rịa-Vũng Tàu, chúng tôi có đi khảo sát lại xem ý kiến của bà con thế nào, quà tặng có thiết thực không… Bà con đều rất phấn khởi, có người dẫn chúng tôi ra tận tàu của họ để khoe bình ắc quy, đèn LED được họ lắp dùng. Điều đó làm chúng tôi rất vui mừng và xúc động. Chắc chắn chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ tiếp tục sát cánh cùng hàng triệu ngư dân để bà con có thêm động lực, an tâm vươn khơi bám biển thuận lợi và bình an.

. Xin cảm ơn ông.

12-Conso.jpg

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm