Kiến nghị 'cấm' doanh nghiệp đầu tư dự án trong 2 năm nếu bỏ cọc trúng đấu giá

Cụ thể, từ thực tiễn của việc đấu giá đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm trong thời gian qua, được sự chi đạo của UBND TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển tổ chức buổi tọa đàm trên (cuối tháng 2) nhằm lấy kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong các lĩnh vực liên quan.

Sau khi tổng hợp các ý kiến trao đổi của các thành viên tham dự tọa đàm, Viện cho rằng có bốn nhóm vấn đề chính được gợi mở về mặt thể chế cần quan tâm nghiên cứu trong thời gian tới.

Điều này nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư của các dự án đầu tư có sử dụng đất nói chung và tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng. Bốn vấn đề chính cần quan tâm như sau:

Thứ nhất, do tính chất đặc thù của đất đai, cần kiến nghị các cơ quan chức năng cấp Trung ương có văn bản quy định riêng đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển dự án. Về bản chất, có thể coi đây là việc đấu thầu đế lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất (hình thức đấu giá dự án đầu tư).

Thứ hai, cơ quan chức năng cần rà soát, nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến năng lực của nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự.

Thứ ba, liên quan đến giá khởi điểm và tiền đặt cọc, cần rà soát, nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung các quy định về giá khởi điểm và tiền đặt cọc một cách phù hợp, các quy định về chế tài đối với nhà đầu tư trúng giá đấu giá đất. Cần rà soát, nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung các quy định nhằm hạn chế tình trạng “bỏ cọc” như trường hợp đấu giá đất ở Thủ Thiêm thời gian vừa qua .

Thứ tư, cơ quan chức năng cần hoàn thiện pháp luật có liên quan cho phù hợp tình hình mới, bao gồm Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư.

Viện cũng cho biết qua vụ việc đấu giá đất Thủ Thiêm, trong khi chờ Quốc hội sửa đổi các Luật có liên quan, để chủ động và hạn chế thấp nhất các trường hợp bỏ cọc khi đấu giá đất thành công, khuyến nghị UBND TP xem xét và kiến nghị Chính phủ cho phép TP được chủ động bốn nội dung sau:

Thứ nhất, xác định giá khởi điểm đấu giá.

Thứ hai, được ấn định tỷ lệ đặt cọc, ký quỹ cho lô đất cần đấu giá. Trong trường hợp giá trúng đấu giá cao hơn giá khởi điểm, doanh nghiệp phải đảm bảo số tiền ký quỹ theo đúng tỉ lệ quy định.

Thứ ba, bổ sung các quy định để chứng minh năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá. Phải kê khai các dự án đang triển khai, kinh nghiệm trong lĩnh vực tham gia đấu giá, năng lực lãnh đạo điều hành, cũng như báo cáo tài chính có kiểm toán của doanh nghiệp tham gia đấu giá.

Thứ tư, bổ sung các biện pháp chế tài như: thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở KH&ĐT TP về hành vi bỏ cọc của doanh nghiệp; không được phép tham gia đầu tư dự án trong vòng 2 năm nếu doanh nghiệp có hành vi bỏ cọc.

Ngày 10-12-2021, UBND TP.HCM tổ chức đấu giá bốn lô đất ở Thủ Thiêm. Bốn doanh nghiệp trúng đấu giá đất bốn lô đất này với số tiền lến đến 37.000 tỉ đồng. Đến ngày 10-1, Tập đoàn Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc, đến ngày 8-2, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh cũng xin bỏ cọc. 

Đến cuối tháng 2, hai doanh nghiệp còn lại chưa đóng đầy đủ tiền trúng đấu giá theo quy định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm