Tại Trung Quốc, mặc dù chính phủ đã loại bỏ chó ra khỏi danh mục động vật chăn nuôi và cấm buôn bán chó sống và thịt chó, tuy nhiên ngày 21-6 lễ hội thịt chó vẫn được diễn ra tại Ngọc Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc.
Dù không có một nhà tổ chức sự kiện chính nào, nhưng người dân nơi đây vẫn tụ tập để ăn thịt chó và vải thiều vào dịp hạ chí. Lễ hội này sẽ bắt đầu với lễ kỷ niệm ngày hạ chí và kết thúc vào ngày 30-6.
Tổ chức Bảo vệ động vật toàn cầu - Four Paws đã lên tiếng cho rằng lễ hội thịt chó tại Ngọc Lâm là mối đe dọa đối với động vật và sức khỏe cộng đồng. Theo tổ chức Four Paws, đây không chỉ là hành động tàn ác đối với loài động vật này, mà quá trình giết mổ không an toàn sẽ làm sản sinh các loại virus gây bệnh mới, đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Trước thực tế đại dịch COVID-19 toàn cầu bị nghi ngờ có nguồn gốc từ một chợ động vật sống, Four Paws đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Trung Quốc ngăn chặn việc giết mổ chó bất hợp pháp ở Ngọc Lâm.
Ước tính, chỉ trong 10 ngày đã có khoảng 1000 con chó bị giết thịt trong lễ hội thịt chó tại Ngọc Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: F.P
Người ta ước tính, chỉ trong mười ngày của lễ hội, có khoảng 1.000 con chó sẽ bị giết thịt để phục vụ thực khách trong các nhà hàng, sau khi bị nhốt vào lồng để đem đi diễu hành.
Tiến sĩ Karanvir Kukreja, Bác sĩ thú y và Giám đốc dự án cho chiến dịch "Chấm dứt thương mại thịt chó mèo" của Four Paws cho biết: "Một điều cực kỳ đáng thất vọng là lễ hội này tiếp tục nhận được sự cho phép từ chính quyền đang nhắm mắt làm ngơ trước hoạt động phi pháp này. Dường như quyết định của Trung Quốc ngừng phân loại chó là vật nuôi, rõ ràng mới chỉ là lời nói mà chưa có hành động cụ thể. Nếu chính quyền ở Ngọc Lâm không can thiệp, họ sẽ không chỉ chịu trách nhiệm về việc tàn sát hàng ngàn con chó, mà còn gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng".
Ông cũng bày tỏ lo ngại: "Những con chó bị nhốt và giết mổ trong điều kiện không vệ sinh tại lễ hội có thể dẫn đến sự bùng phát của các bệnh như bệnh dại và bệnh tả, cũng như sự xuất hiện của virus gây bệnh chết người mới, như chúng ta đã thấy với COVID-19”. Theo vị bác sĩ này, việc Trung Quốc cho phép lễ hội diễn ra cho thấy sự không nghiêm túc trong việc giải quyết các rủi ro sức khỏe mà việc buôn bán thịt chó mèo gây ra.
Thực tế cho thấy, việc buôn bán chó mèo không chỉ diễn ra tại Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Four Paws, tại Việt Nam, Campuchia và Indonesia, mỗi năm có khoảng 10 triệu chó, mèo bị giết để lấy thịt, mặc dù chỉ có một số ít người dân địa phương tiêu thụ thịt.
Để chấm dứt hoàn toàn việc buôn bán thịt chó mèo tàn bạo ở Đông Nam Á, Four Paws đã đưa ra một chiến dịch ở cấp độ quốc tế và quốc gia. "Thông qua công việc giáo dục và hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm, cộng đồng địa phương và ngành du lịch, mục tiêu của Four Paws là để các chính phủ ở Đông Nam Á giới thiệu, củng cố và thực thi luật bảo vệ động vật, chấm dứt việc bắt giữ, giết mổ và tiêu thụ chó mèo", bác sĩ Kukreja cho biết.
Four Paws cũng hỗ trợ các tổ chức và cộng đồng bảo vệ động vật địa phương với các chương trình chăm sóc động vật đi lạc. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng là một phần của Liên minh bảo vệ động vật (DMFI - Dog Meat Free Indonesia) - vận động chống lại thương mại chó mèo ở Đông Nam Á và Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA) - tổ chức hoạt động cải thiện phúc lợi của động vật trên khắp châu Á.
Ngoài ra, Four Paws đã đưa ra một kiến nghị chống lại việc buôn bán thịt chó và mèo, và nhận được hơn 770.000 người ủng hộ trên toàn thế giới ký từ khi ra mắt vào cuối năm ngoái.