Nếu nhập hai phương thì UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) sẽ có khoảng 35.000 dân. Trong ảnh: Lễ công bố quyết định ông Võ Công Chánh làm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa. Ảnh: LÊ PHI
Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Đăng Hải (Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng), Đà Nẵng lâu nay được nhà nước giao nhiệm vụ thiêng liêng là quản lý Hoàng Sa, trong đó quy định rõ Hoàng Sa là một huyện của TP.
“TP có một nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa và nghiên cứu, tìm chứng cứ pháp lý để từng bước đòi lại quần đảo Hoàng Sa vốn đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Kỳ họp thứ 9 QH vừa qua đã ban hành Luật tổ chức chính quyền địa phương và có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Với Luật này, UBND TP nên cho tách hai phường Thọ Quang và Mân Thái (quận Sơn Trà) để nhập vào huyện đảo Hoàng Sa là hợp lý và hợp lòng dân”, ông Hải đề xuất.
Theo ông Hải, với việc nhập hai phường này thì huyện Hoàng Sa sẽ được hoàn thiện bộ máy chính quyền với dân số khoảng 35.000 dân. Hai phường này cũng là một trong những phường của Đà Nẵng có nhiều ngư dân và tàu thuyền thường xuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Làm được việc này chúng ta sẽ kéo được Hoàng Sa về gần với đất liền.
Ông Võ Công Chánh (Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa) cũng cho hay, TP Đà Nẵng đã có ý định từ lâu nhưng hiện nay còn nhiều vướng mắc. Trong đó, hiện Đà Nẵng vẫn đang là một trong 10 thành phố mà Trung ương thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện. "Với ý kiến của đại biểu, UBND huyện Hoàng Sa sẽ tiếp thu và báo cáo lại UBND TP trình Trung ương xem xét", ông Chánh nói.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Quốc Bình - Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng - băn khoăn về việc vừa qua TP cho sát nhập, bỏ một số ban chỉ đạo, trong đó có Ban Chỉ huy Biển đảo TP Đà Nẵng. “Xoá đi Ban này lấy ai tham mưu cho lãnh đạo TP và ông Chủ tịch huyện Hoàng Sa thông tin thực tế và chính sách để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Đà Nẵng. Đà Nẵng là điểm nóng về biển đảo, xoá đi ban này không thể được, phải cho thành lập lại”, ĐB Bình nói.