Đã có hơn 40 đại biểu (ĐB) Quốc hội đăng ký chất vấn Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sáng 6-6, trong đó có vấn đề bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên biển Đông.
Kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm chủ quyền
ĐB Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) đặt câu hỏi liên quan đến những định hướng mang tính nguyên tắc về ứng xử và tổ chức các hoạt động trên biển Đông để đảm bảo chủ quyền đất nước và phát triển hòa bình, ổn định lâu dài.
“Chúng ta khẳng định tại biển Đông, Việt Nam (VN) có đầy đủ cơ sở lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982, chúng ta có đầy đủ quyền lợi về kinh tế trên vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta là 200 hải lý. Chúng ta được hoạt động kinh tế trong các vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đáp.
Theo ông, quan điểm của VN là kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền trên biển và chủ quyền trên các hòn đảo chúng ta đang quản lý.
Thừa nhận ở biển Đông có tranh chấp về chủ quyền của một số nước và các bên liên quan, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc tranh chấp chủ quyền phải giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982.
“Đặc biệt, không được làm thay đổi nguyên trạng ở biển Đông, trên cơ sở không sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng và giải quyết bằng các biện pháp hòa bình” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho biết thêm, thời gian qua các hoạt động kinh tế của VN trên các vùng biển đặc quyền kinh tế của chúng ta vẫn được thực hiện. Các lực lượng chức năng bảo vệ cho các hoạt động kinh tế của chúng ta trên vùng biển cũng như ngư dân hoạt động đánh cá hợp pháp trong vùng biển của VN…
“Chúng ta cũng kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm chủ quyền biển, đảo của VN thông qua các biện pháp ngoại giao và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ chủ quyền. Đó là quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề biển Đông” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP/NHẬT BẮC
Bảo hộ ngư dân đánh cá hợp pháp trên biển
ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) chất vấn: Thời gian qua, tàu cá và ngư dân VN liên tục bị lực lượng chức năng của một số nước bắt giữ khi đánh bắt ở vùng biển chưa phân định ở biển Đông và một số nước trong khu vực ASEAN. “Với trách nhiệm của mình, Chính phủ cần có những biện pháp nào để bảo vệ ngư dân trong thời gian tới?” - ĐB hỏi.
Đáp lại, Phó Thủ tướng cho hay: Đảng, Chính phủ coi vấn đề bảo hộ công dân, bảo hộ ngư dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhất là trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo vệ ngư dân đánh cá hợp pháp trong vùng biển của chúng ta.
Ông cho biết thời gian qua có việc ngư dân VN bị bắt giữ khi đánh cá hợp pháp trên các vùng biển. “Chúng ta đã đấu tranh với các nước bắt ngư dân, yêu cầu phải đối xử nhân đạo, thả và bồi thường nếu gây thiệt hại” - Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, cũng có một số ngư dân bị bắt giữ trên vùng biển chưa được phân định. Cụ thể, giữa VN và Indonesia, năm 2003 chúng ta đã phân định thềm lục địa nhưng chưa phân định vùng đặc quyền kinh tế nên có sự tranh chấp trong vùng đánh cá này.
“Có một số vụ va chạm xảy ra. Mỗi lần va chạm như vậy, Bộ Ngoại giao trực tiếp trao đổi và phản đối với Đại sứ quán Indonesia tại VN cũng như đối tác Indonesia, yêu cầu thả và đền bù” - ông cho biết thêm.
Tuy nhiên, cũng có những vụ ngư dân VN đánh bắt cá vào những vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của các nước và bị bắt. Phó Thủ tướng cho biết với trường hợp này, Chính phủ bảo hộ công dân, ngư dân đánh cá thông qua việc thăm lãnh sự, thông qua việc đối xử nhân đạo, xét xử công bằng, hợp lý và thả người cùng tàu biển.
“Chúng ta cần tăng cường, tuyên truyền giáo dục để ngư dân tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng các vùng biển quốc tế và chỉ đánh bắt cá trong vùng biển hợp pháp của chúng ta; được các lực lượng chức năng và kiểm ngư bảo hộ khi bị xâm phạm, bắt giữ” - Phó Thủ tướng nói thêm.
Quét “rác” trên không gian mạng Tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đã nêu vấn đề về tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em qua môi trường mạng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp và xuất hiện tội phạm có yếu tố nước ngoài. Chủ tịch Quốc hội đề nghị bộ trưởng Bộ TT&TT trả lời vấn đề này. Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng giải pháp lúc này là hệ thống pháp luật, chính quyền, lực lượng phải nhanh chóng đi vào không gian mạng để duy trì sự lành mạnh của nó. Giải pháp lâu dài (và là giải pháp cơ bản nhất) là đưa giáo dục kỹ năng sống trong không gian mạng vào giáo dục từ phổ thông. “Đời thực của chúng ta thở bằng không khí; không gian mạng chúng ta thở bằng tin tức, nội dung. Đời thực chúng ta hằng ngày có ngàn tấn rác, nếu không dọn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe; không gian mạng cũng có rác, nếu không dọn sẽ ảnh hưởng đến não người. Do vậy, vấn đề trước mắt phải thực hiện là quét rác” - Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh và cho biết Bộ TT&TT đang soạn thảo và sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Cạnh đó, theo ông, các nhà mạng phải có bộ lọc để dọn rác và Bộ TT&TT sẽ ra yêu cầu cụ thể. Ông Hùng cũng cho hay Bộ TT&TT đã có một trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, cơ bản có thể đánh giá, phân tích, phân loại. Sau khi các bộ, ngành quyết định đây là rác thì thông báo đến Bộ TT&TT. Bộ sẽ thực hiện yêu cầu gỡ bỏ, kể cả đối với mạng xã hội nước ngoài. “Các mạng xã hội nước ngoài hoạt động tại VN bắt buộc phải thực thi luật pháp VN vì VN là nước có chủ quyền” - ông nhấn mạnh và cho biết thời gian qua chúng ta đã mạnh tay hơn đối với mạng xã hội nước ngoài. “10 tháng vừa qua, tỉ lệ gỡ bỏ theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước tăng 500%” - ông cho biết. |