Mở lối cho ngành xuất khẩu 90 tỉ USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong suốt 10 năm qua, ngành điện tử luôn chiếm tỉ trọng 30%-40% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đặc biệt năm 2020, dù đối mặt với dịch bệnh COVID-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực này vẫn đạt hơn 90 tỉ USD. Trong các tháng đầu năm 2021, Việt Nam (VN) cũng đã tận hưởng sự tăng trưởng mạnh mẽ về xuất khẩu điện tử khi các đơn hàng trên khắp thế giới đổ về.

Tuy là một trong những điểm sáng cho tăng trưởng xuất khẩu nhưng gần đây các doanh nghiệp điện tử gặp không ít khó khăn do nhiều địa phương giãn cách kéo dài. Vì vậy, các công ty trong ngành mong muốn được sớm mở cửa trở lại.

Đại diện Samsung cho biết nếu nhà máy tại TP.HCM trở lại hoạt động bình thường trong thời gian tới thì công ty có thể vượt mục tiêu xuất khẩu của năm nay. Ảnh: PM

Nỗ lực cạnh tranh với các nước

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), trong bốn tháng đầu năm 2021, nhu cầu về máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và máy móc, thiết bị tăng mạnh. Đặc biệt, xuất khẩu các mặt hàng này sang Mỹ tăng 62% so với cùng kỳ năm trước, chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của VN sang thị trường này.

Dưới sức ép của dịch bệnh, bước sang tháng 6, ngành điện tử dù vẫn duy trì đà tăng nhưng đã có dấu hiệu suy giảm. Điều này đã gây ngạc nhiên cho giới phân tích khi đáng lẽ lĩnh vực này phải tận dụng tốt sự hồi sinh của nhu cầu toàn cầu.

Giải thích về hiện tượng sụt giảm này, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử VN (VEIA), nhận xét đợt dịch lần thứ 4 đang làm các đơn vị trong ngành bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh.

Cụ thể, dù các nguồn hàng “Made in Vietnam” đang thu hút người tiêu dùng nhưng hiện các quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh đã khiến nhiều công ty điện tử phải đóng cửa do không đáp ứng được điều kiện sản xuất. Trong khi đó, các công ty thực hiện được “ba tại chỗ” hoặc “một cung đường - hai điểm đến” thì năng lực sản xuất giảm, khó đảm bảo các đơn hàng cho đối tác.

Đáng chú ý, xuất khẩu điện tử đang bị cạnh tranh bởi các quốc gia khác đã mở cửa, hồi phục sau dịch bệnh và trở lại thị trường. Trong bối cảnh trên, các nhà máy của LG, Panasonic, Sanyo, Samsung… tại nước ta vẫn đang nỗ lực duy trì hoạt động bằng cách đáp ứng các điều kiện phòng dịch dù chi phí cho những khoản này không hề nhỏ.

Giảm thiệt hại, phát huy điểm sáng

TS Phạm Công Hiệp, ĐH RMIT VN, đánh giá các công ty điện tử ở VN hiện đối mặt với tình hình dịch bệnh diễn biến rất khó đoán trước và thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều điểm sáng cho lĩnh vực này.

Điển hình là hãng điện tử Samsung mới đây đã lên kế hoạch mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh vào những tháng cuối năm nay. Tập đoàn này quyết định đầu tư để tăng công suất nhà máy VN do nhu cầu thị trường về điện thoại nắp gập Z Fold và Z Flip mới nhất của Samsung đang “cháy hàng” trên toàn cầu.

Tương tự, bất chấp các ảnh hưởng của dịch bệnh, Panasonic đã chuyển hoạt động sản xuất tủ lạnh và máy giặt từ Thái Lan sang VN theo kế hoạch đặt ra vào đầu năm nay. Hãng LG, Samsung… cũng đang tuyển dụng nhân sự với quy mô lớn ở VN.

Tuy vậy, theo TS Hiệp, để tiếp tục duy trì là điểm đến đầu tư hấp dẫn, Chính phủ VN cần phải hỗ trợ các công ty điện tử phát triển mạnh sau dịch bệnh. Chẳng hạn như cung cấp các điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn, đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động, cung cấp các dịch vụ đầu tư hiệu quả hơn…

“Với doanh nghiệp điện tử nội địa, cần áp dụng nhiều quy trình không tiếp xúc hơn, cung cấp các gói chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người lao động và áp dụng các công nghệ mới nhất để tự động hóa nhiều hơn. Việc tái cơ cấu này không chỉ giúp các công ty vượt qua những thách thức trước mắt mà còn mang lại khả năng mạo hiểm để nắm bắt những cơ hội mới” - ông Hiệp khuyến nghị.

Cần tăng tính chủ động cho doanh nghiệp

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung VN, cho hay hiện tập đoàn có sáu nhà máy tại nước ta và đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu phát triển. Kim ngạch xuất khẩu của tập đoàn đạt trị giá hơn 56 tỉ USD năm 2020. Đến nay tập đoàn đã đầu tư hơn 17,7 tỉ USD vào VN và hiện có 110.000 cán bộ, nhân viên.

“Trong bối cảnh dịch bệnh, từ tháng 1 đến tháng 7 vừa qua, Samsung vẫn đạt mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ. Nếu nhà máy tại TP.HCM trở lại hoạt động bình thường trong thời gian tới thì chúng tôi có thể vượt mục tiêu xuất khẩu của năm nay” - ông Choi Joo Ho thông tin.

Lãnh đạo của Samsung cũng bày tỏ tin tưởng vào năng lực chống dịch của chính quyền sẽ giúp ổn định tình hình dịch bệnh tại TP.HCM. Điều này giúp tập đoàn duy trì hoạt động sản xuất lẫn chống đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Để đưa mọi thứ hoạt động bình thường và an toàn, chúng tôi kiến nghị chính quyền nỗ lực tiêm vaccine cho người lao động tại các khu công nghiệp. Qua đó nhằm duy trì hoạt động sản xuất hiệu quả và ổn định, duy trì chuỗi cung ứng liền mạch, đồng thời có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực” - ông Choi Joo Ho nói.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử VN, cũng nhìn nhận để các công ty trong ngành điện tử hồi phục, đề nghị không coi doanh nghiệp là đối tượng bị kiểm soát mà cần xem họ là một lực lượng cùng tham gia chống dịch với Nhà nước. Vì doanh nghiệp hiểu các điều kiện sản xuất để có các biện pháp chống dịch thích ứng, phù hợp. Mặt khác, dịch bệnh lần này khó có thể kiểm soát hoàn toàn, vì vậy cần thiết lập cơ chế để sống chung an toàn.

“Song song đó, Nhà nước nên tạo điều kiện cho hàng hóa và nguyên vật liệu được lưu thông thông suốt, tránh ùn tắc như thời gian qua. Chúng ta kiểm soát con người nhằm tránh lây nhiễm bệnh chứ không phải hàng hóa” - bà Hương nhấn mạnh.

Bà Hương cũng cho rằng cần tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, như cho phép họ được tổ chức tự xét nghiệm COVID-19. Cách làm này vừa giúp doanh nghiệp kiểm soát được dịch bệnh vừa giảm chi phí. Ngoài ra, Nhà nước nên giảm các loại thuế, phí, lãi suất… để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

 

Cung cấp hàng loạt mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch

Theo Tổng cục Thống kê, sáu tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử đạt 48,91 tỉ USD. Con số này chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tiếp tục đứng đầu trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Hiện nay, có khoảng 1,5 triệu lao động làm việc trong ngành điện tử.

Mở lối cho ngành xuất khẩu 90 tỉ USD ảnh 2
Nhiều sản phẩm như điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng… là hàng thiết yếu của người tiêu dùng trong mùa dịch. (Ảnh chụp trước thời điểm TP.HCM thực hiện giãn cách). Ảnh: MINH HOÀNG

Các sản phẩm của ngành điện tử rất đa dạng và là hàng thiết yếu của người tiêu dùng trong mùa dịch, đảm bảo cho mọi người làm việc và học tập trực tuyến. Đơn cử như điện thoại di động, máy tính, tivi, máy điều hòa, máy giặt, tủ lạnh… Đồng thời, ngành này còn tham gia sản xuất, cung ứng các vật tư, thiết bị y tế như máy thở, máy X-quang, máy siêu âm, máy lọc máu, thiết bị đo thân nhiệt từ xa…

Tiêm vaccine cho người lao động là giải pháp căn cơ

Cộng đồng doanh nghiệp ngành điện tử mới đây đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp để hồi phục sản xuất, kinh doanh. Trong đó, giải pháp căn cơ là cho người lao động được tiêm vaccine sớm nhất và nhanh nhất có thể; ứng dụng mạnh công nghệ thông tin trong việc tổ chức tiêm chủng để tiến trình này diễn ra nhanh chóng, kịp thời và khoa học.

Bên cạnh đó, cho phép doanh nghiệp chủ động đưa ra các giải pháp tổ chức sản xuất an toàn trong mùa dịch và đăng ký thực hiện với chính quyền địa phương sở tại, thay vì áp dụng cứng nhắc các biện pháp “ba tại chỗ”, “một cung đường - hai điểm đến”.

“Những quy định đối với hàng hóa nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, việc đi lại đối với chuyên gia, người lao động qua các tỉnh, địa phương thuộc diện cách ly, giãn cách cần được sự chỉ đạo xuyên suốt từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương. Từ đó, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng từ khâu vận tải” - cộng đồng doanh nghiệp ngành điện tử kiến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm