Điểm sáng tích cực cho nền kinh tế Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong báo cáo vĩ mô tháng 8 vừa mới phát hành, Công ty chứng khoán SSI đánh giá việc thực hiện giãn cách xã hội mức cao nhất trong thời gian dài, gồm hơn 2 tháng đối với TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ và hơn 1 tháng đối với Hà Nội đã khiến tất cả các hoạt động của nền kinh tế bị gián đoạn.

Số liệu vĩ mô trong tháng 8 phản ánh ảnh hưởng không chỉ còn gói gọn trong khu vực dịch vụ mà đã lan rộng sang ngành sản xuất – chế biến chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính giảm 7,4%, trong đó ngành chế biến chế tạo giảm 9,8%, mức thấp nhất kể từ tháng 4-2020.

Sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất chủ yếu được ghi nhận ở các tỉnh thành phía Nam với IIP giảm tới 23,4%. Các phương án duy trì sản xuất như “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường hai điểm đến” chỉ mang tính tạm thời và thể hiện nhiều bất cập khiến công suất sản xuất của các nhà máy ở phía Nam ở mức thấp, chỉ vào khoảng 10 - 50%.

Các nhóm ngành có mức suy giảm mạnh trong tháng 8 đều có sản lượng tập trung chủ yếu ở phía Nam như đồ gỗ nội thất giảm 20,9% so với cùng kỳ, sản xuất thực phẩm (giảm 15,2%), giày dép (giảm 28,3%)...  

Xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong tháng 8, xuất khẩu ước tính giảm 5,4% so với cùng kỳ, trong đó khối khu vực kinh tế trong nước giảm tới 16,6%.

Các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp nội địa đều ghi nhận tăng trưởng âm như thủy sản (-26,1%), gạo (-30,4%), gỗ (-26,9%) và dệt may (-9,2%).

Theo SSI, vẫn có điểm sáng tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Đó là lạm phát bình quân 8 tháng chỉ tăng 1,79%, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. 

Một điểm sáng khác trong tháng 8 là diễn biến của tỉ giá USD/VND. Tính đến thời điểm hiện tại, tiền đồng tăng giá tới 1,4% so với cuối năm 2020 và là một trong những đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong khu vực.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm