Sẽ có tiêu chí để xác định made in Vietnam

Một sản phẩm hàng hóa được xác định là hàng Việt Nam (VN) nếu đảm bảo được các yếu tố: 30% hàm lượng giá trị gia tăng (GTGT) của hàng hóa trên lãnh thổ VN và trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại VN. Đây là một trong những tiêu chí xác định hàng hóa sản xuất tại VN được nêu trong dự thảo thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của VN hoặc sản xuất tại VN.

Chiều 14-8, Bộ Công Thương (đơn vị soạn thảo) đã có cuộc gặp gỡ báo chí để trao đổi, làm rõ thêm nội dung quy định này. Pháp Luật TP.HCM xin lược ghi ý kiến của ban soạn thảo.

Dẹp tình trạng đội lốt hàng Việt

. Phóng viên:Sau nghi án Asanzo bán hàng Trung Quốc (TQ) đội lốt hàng Việt, dư luận đang băn khoăn thế nào là hàng made in Vietnam? Đây có phải là lý do Bộ Công Thương gấp rút đưa ra dự thảo thông tư này?

+ Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: Trên thực tế, theo đúng chức năng và phạm vi quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản quy định như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là sản phẩm và hàng hóa của VN, hay nói cách khác là có xuất xứ VN. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu, giúp hàng hóa của ta được hưởng ưu đãi thuế khi đi vào các thị trường nước ngoài hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Với hàng hóa sản xuất và sau đó lưu thông trong nước, việc ghi nước xuất xứ được thực hiện theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Riêng về xuất xứ hàng hóa, Điều 15 Nghị định 43 yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và tự ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình trên nguyên tắc đảm bảo trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Mặc dù vậy, việc tự xác định và tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa có nhiều bất cập. Sau một thời gian trao đổi, làm rõ, trên cơ sở ý kiến thống nhất của một số bộ, ngành có liên quan, Thủ tướng đã đồng ý giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này.

Như vậy, không có việc khi xảy ra sự vụ Asanzo, Bộ Công Thương mới làm dự thảo thông tư này. Nếu thông tư này được ban hành sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm đội lốt hàng VN như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.

Tình trạng hàng nhập khẩu đội lốt hàng VN bị phát hiện khá nhiều thời gian gần đây. Trong ảnh: Lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn phát hiện áo thun do Trung Quốc sản xuất nhưng gắn mác  Made in Vietnam. Ảnh: TL

. Tại sao ban soạn thảo lại đưa ra con số 30% để xác định hàm lượng GTGT nội địa? Con số này được hiểu ra sao?

+ Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Tại dự thảo này, Bộ Công Thương đưa ra hai tiêu chí để xác định hàng hóa VN: Hàm lượng GTGT và chuyển đổi mã số hàng hóa. Đối với tiêu chí hàm lượng GTGT sẽ được hiểu là hàm lượng GTGT trên lãnh thổ phải đạt 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa đó.

Hàm lượng này bao gồm cả chi phí nguyên liệu, nhân công, nhà xưởng… Chẳng hạn như một chiếc điện thoại có giá 100 đồng thì hàm lượng giá trị nội địa đạt khoảng 30 đồng sẽ được xác định là hàng VN.

Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là không phải cứ đạt hàm lượng GTGT 30% là đủ điều kiện. Hàng hóa đó phải có khâu sản xuất, chế biến cuối cùng diễn ra tại VN và khâu đó phải làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa, không phải là gia công, chế biến đơn giản.

Ngoài tiêu chí hàm lượng GTGT kể trên, tiêu chí thứ hai để xác định hàng hóa là của VN là tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa.

Ví dụ, bột mì nhập khẩu từ nước ngoài thì không được coi là hàng hóa của VN nhưng sau khi đưa vào nhà máy, trải qua công đoạn chế biến để thành sản phẩm cuối cùng là bánh quy. Sản phẩm bánh quy đó đã trở thành một loại hàng hóa mang mã số khác, có tính chất thay đổi khác hẳn với bột mì nên sản phẩm bánh quy đó đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa và được coi là hàng hóa của VN.

+ Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Nhiều sản phẩm xuất khẩu của ta chỉ cần đáp ứng hàm lượng GTGT nội địa 30% là được các nước bạn hàng công nhận là xuất xứ VN. Đặt ra các ngưỡng cao hơn 30% hoặc bổ sung thêm điều kiện không khó, chỉ cần thay hai chữ số, viết thêm vài câu là xong. Tuy vậy sẽ xuất hiện tình huống oái oăm là cả thế giới công nhận nhưng riêng VN lại không công nhận một sản phẩm nào đó là sản phẩm của mình.

Samsung, Apple… có thể được xem là hàng Việt

. Trong xu thế dịch chuyển hướng đầu tư, nhiều tập đoàn đa quốc gia như Samsung hay Apple đã và có thể sẽ chọn VN là nơi đặt nhà máy sản xuất. Khi đó, những chiếc điện thoại của các ông lớn này có được xem là hàng hóa của VN hay không?

+ Ông Trần Thanh Hải: Nếu thông tư được áp dụng, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề này. Thậm chí nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghệ, điện tử đang hiện hữu tại VN có thể phải xem xét, rà soát lại việc xuất xứ hàng hóa. Hay như có doanh nghiệp lâu nay không tự tin xác định xuất xứ hàng hóa thì khi có thông tư này, họ sẽ chắc chắn hơn về ghi nguồn hàng hóa.

Các sản phẩm của Samsung, Apple… được xuất xứ từ nhiều quốc gia. Đơn cử, Samsung là thương hiệu từ Hàn Quốc nhưng chiếc tủ lạnh của họ được sản xuất từ TQ thì trên sản phẩm họ vẫn ghi xuất xứ TQ, hoặc chiếc tivi Samsung được sản xuất ở VN thì họ ghi xuất xứ VN.

Sắp tới, những chiếc tivi đó dù mang thương hiệu Samsung nhưng nếu đáp ứng tiêu chí của dự thảo thông tư này thì sẽ được xem là hàng hóa của VN.

. Xin cám ơn các ông.

Cà phê, lúa gạo, thanh long… là hàng Việt

Theo dự thảo, hàng hóa được xác định của VN nếu hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại VN như cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng (lúa gạo, khoai tây, thanh long…) được trồng và thu hoạch tại VN. Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại VN. Các khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của VN…

Bên cạnh đó, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại VN nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại VN làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa theo quy định thì vẫn được xem là hàng hóa của VN…

Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định nếu thông tư được ban hành sẽ do doanh nghiệp tự giác thực hiện. Nhà nước chỉ sử dụng thông tư để phân xử đúng, sai khi xuất hiện tình huống đòi hỏi phải có sự phân xử đúng, sai. Thông tư không thể hiện việc can thiệp vào chuyện kinh doanh của doanh nghiệp. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.