PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH:

Tổ chức, cá nhân chỉ nên được góp vốn thành lập một ngân hàng

Trong hồ sơ thực hiện thủ tục chấp thuận nguyên tắc thành lập ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), nên thay yêu cầu nộp đơn cổ đông bằng danh sách cổ đông đăng ký góp vốn, thay danh sách thành viên dự kiến tham gia Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban kiểm soát, người đại diện hợp pháp cho việc yêu cầu phải nộp lý lịch, lý lịch tư pháp, CMND... 
 
Theo phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính do Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính đề xuất đối với các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhiều thủ tục đề nghị thành lập và hoạt động của ngân hàng TMCP sẽ được tinh giản, quy định rõ ràng, giúp người dân và doanh nghiệp dễ hiểu, dễ thực hiện.

Đơn giản hóa thủ tục thành lập và hoạt động ngân hàng TMCP

Đối với thủ tục chấp thuận nguyên tắc thành lập ngân hàng TMCP, Tổ công tác đề nghị đơn giản hóa thành phần hồ sơ chấp thuận theo hình thức: thay yêu cầu nộp đơn cổ đông bằng danh sách cổ đông đăng ký góp vốn; thay danh sách thành viên dự kiến tham gia Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban kiểm soát, người đại diện hợp pháp cho việc yêu cầu phải nộp lý lịch, lý lịch tư pháp, CMND, bỏ yêu cầu nộp điều lệ tổ chức và hoạt động của cổ đông góp vốn là tổ chức....

Lý giải cho đề xuất này, Tổ công tác cho rằng đối với thủ tục chấp thuận nguyên tắc thành lập ngân hàng TMCP, thông tin phục vụ cho việc giải quyết nên gồm những tài liệu liên quan về vốn, khái quát về cổ đông tham gia góp vốn, quản lý vốn, điều lệ và phương án kinh doanh để xác định năng lực của ngân hàng dự kiến thành lập. Trong khi đó, theo quy định hiện nay, có những giấy tờ như nêu trên lại không cần thiết cho việc giải quyết, nhất là yêu cầu nộp bản sao đơn cổ đông (hàng trăm bản) là không cần thiết, khiến kéo dài thời gian chuẩn bị hồ sơ cũng như bảo quản lưu trữ của cơ quan giải quyết thủ tục.

Về thủ tục cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng TMCP, Tổ công tác đề nghị quy định cụ thể yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp dễ hiểu, dễ thực hiện.  

Cụ thể, về số lượng ngân hàng được phép thành lập nên quy định mỗi cá nhân hoặc tổ chức và người có liên quan của cá nhân hoặc tổ chức đó chỉ được tham gia góp vốn thành lập một ngân hàng (bao gồm cả các ngân hàng đang hoạt động); không được tham gia góp vốn thành lập ngân hàng nếu cá nhân hoặc cá nhân đó cùng với người có liên quan đang sở hữu mức cổ phần trọng yếu của một ngân hàng; tổ chức hoặc tổ chức đó cùng với người có liên quan đang sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của một ngân hàng.

Đối với cổ đông sáng lập là cá nhân, cần đáp ứng một số điều kiện liên quan đến năng lực (là người quản lý doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong ít nhất 3 năm liền kề năm xin thành lập ngân hàng), trình độ (có bằng đại học hoặc trên đại học về ngành thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng...).

Đối với cổ đông sáng lập là tổ chức, nên tăng năng lực tài chính của loại cổ đông sáng lập này, ví dụ như có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng trong 5 năm liền kề năm xin thành lập ngân hàng, và phải kinh doanh có lãi trong 5 năm liền kề năm xin thành lập ngân hàng.

Trao thêm quyền chủ động cho doanh nghiệp

Trong lĩnh vực hoạt động ngoại hối, theo Tổ công tác, thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt (áp dụng đối với tổ chức tín dụng) nên được thay thế bằng thủ tục đăng ký xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ bằng tiền mặt.

Lý do của nội dung đơn giản hóa này là xuất khẩu và nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt là một nghiệp vụ hoạt động của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước không nên hạn chế mà nên trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp và quy định các tổ chức tín dụng có hoạt động xuất nhập khẩu ngoại tệ phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước, định kỳ báo cáo để Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát.

Hơn nữa, hiện nay, nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc đơn giản hóa thủ tục trên sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hoạt động, tránh can thiệp quá sâu vào các nghiệp vụ của doanh nghiệp nhằm tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh với các nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mục đích của thủ tục này là kiểm tra giám sát nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối quốc tế, do vậy nên áp dụng hình thức quản lý bằng việc trao quyền chủ động cho doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp báo cáo để kiểm tra giám sát.

Theo Ngọc Hà (Chinhphu.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm