Không chỉ khó khăn vì dịch COVID-19 khiến thu nhập bị ảnh hưởng, người dân ở TP.HCM đang chật vật vì giá cả hàng hóa liên tục tăng cao.
Thu nhập giảm, hàng hóa thiết yếu tăng cao
Lo lắng vì giá nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ cho bữa ăn hằng ngày đều tăng rất mạnh, bà Ánh Ngọc (quận 12) cho biết phải cân nhắc kỹ nên mua loại thực phẩm nào giá thấp, bảo quản lâu.
“Giờ tôi chỉ dám mua mấy loại củ quả như bí, bầu… vì để được lâu và giá tăng không quá cao 30%-50% so với trước. Còn những loại rau củ khác đều tăng gấp 2-3 lần, không dám mua” - bà Ngọc chia sẻ.
Theo bà Ngọc, trước đây mỗi tuần chi phí mua thực phẩm cho gia đình bốn người hết khoảng 1,5 triệu đồng thì nay, dù tiết kiệm cũng phải tốn tới 2,5 triệu đồng/tuần. Trong khi đó, thu nhập của gia đình giảm do dịch.
“Hành lá giờ cũng hơn 100.000 đồng/kg, giá trứng cũng tăng gấp đôi mà mua còn không có” - chị Thùy (quận Gò Vấp) thở dài.
Chị Thùy kể có khi đứng xếp hàng ở siêu thị từ sáng tới trưa chờ mua hàng nhưng khi vào bên trong lại chẳng còn mặt hàng mình cần, nhất là thực phẩm tươi sống. Đặt hàng online thì có siêu thị báo không có hàng, có siêu thị báo phải chờ mấy ngày. Trên các trang Facebook, mặt hàng rau quả đều cao hơn hẳn so với siêu thị 10.000-30.000 đồng/kg.
Không chỉ đau đầu vì giá các mặt hàng thực phẩm tăng, người dân còn lo lắng vì nhiều chi phí khác cũng leo thang. Ông Thành (quận Bình Thạnh) cho biết dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh đồ uống của gia đình phải đóng cửa. “Thu nhập không có, trong khi giá cả hàng hóa thiết yếu cứ tăng vù vù, cộng thêm giá gas, giá xăng… cũng tăng chóng mặt. Cứ kiểu này, người dân không biết sống sao” - ông Thành lo lắng.
Cung ứng gặp khó vì chốt kiểm dịch
Các đơn vị cung ứng thực phẩm chỉ ra những bất cập trong chuỗi cung ứng hàng hóa, cũng như việc siết chặt lưu thông, vận chuyển hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân đẩy giá hàng hóa tăng cao.
Đơn cử, giá gà công nghiệp bán lẻ tại các siêu thị ở TP.HCM tăng lên mức 80.000-90.000 đồng/kg nhưng có thời điểm người dân không có hàng để mua. Tuy nhiên, ở các trang trại lại đang bán dưới giá thành, hàng hóa ùn ứ vì những ách tắc trong khâu vận chuyển.
Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch Hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho biết giá gà công nghiệp bán tại trại rớt thê thảm, chỉ còn ở mức 14.000-15.000 đồng/kg. Với giá thành nuôi gà hiện nay khoảng 25.000 đồng/kg thì người nuôi đang lỗ 10.000 đồng/kg.
Người dân đang mua hàng thiết yếu tại siêu thị. Ảnh: QUANG HUY
Đáng nói là gà tại nhiều trang trại đang ế vì xe chở, lấy hàng khi đi qua các chốt kiểm dịch tại nhiều địa phương gặp khó khăn, trở ngại. Ông Quyết dẫn chứng: Có trường hợp xe tải từ Đồng Nai xuống Bà Rịa-Vũng Tàu bắt gà. Thông tin xe, tài xế, giấy xét nghiệm COVID-19... được báo cáo đầy đủ cho cơ quan chức năng. Thế nhưng vì lý do vô lý không tưởng tượng nổi là xe chạy không chở hàng hóa nên không được qua chốt.
“Cách kiểm tra bất hợp lý tại các chốt kiểm dịch khiến nguồn cung bị ảnh hưởng, hàng ùn ứ. Trong khi đó, lượng hàng cung ứng cho thị trường TP.HCM gặp khó khăn, đẩy giá thịt gà và nhiều mặt hàng khác tăng cao” - ông Quyết bức xúc.
Ông Trần Văn Thích, đại diện HTX rau Phước An (TP.HCM), chuyên cung cấp rau củ cho hệ thống siêu thị, cũng nêu ra những bất cập của các chốt kiểm soát dịch. Ví dụ, lực lượng chức năng phạt các xe tải chở rau tới siêu thị với lý do tụ tập quá ba người. Trong khi một xe tải phải có hai phụ xe theo mới có thể đủ sức bốc dỡ hàng hóa xuống.
“Tài xế, phụ áp tải đều có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 nhưng bị phạt 3 triệu đồng/người, tính ra mỗi xe 9 triệu đồng tiền phạt. Việc kiểm tra, xử phạt cứng nhắc kiểu này sẽ ảnh hưởng đến các đơn vị cung ứng thực phẩm, cũng như ảnh hưởng việc cung cấp hàng hóa cho các siêu thị. Đồng thời làm phát sinh nhiều chi phí” - ông Thích dẫn chứng.
Đại diện nhiều doanh nghiệp, nhà cung cấp khác cũng phản ánh thời gian vận chuyển từ các địa phương về TP.HCM tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh dẫn đến chi phí vận chuyển tăng, thời gian giao hàng bị trễ. Nhiều đơn vị phải chi ra khoản tiền lớn để có giấy xét nghiệm chỉ có giá trị vài ngày cho hàng ngàn tài xế và nhân viên giao hàng.
Phải tổ chức lại chuỗi cung ứng bán lẻ
Để chuỗi sản xuất và cung ứng không đứt gãy, người dân không thiếu thực phẩm thiết yếu hoặc phải mua với giá đắt, nhiều ý kiến cho rằng cần vai trò điều phối chung liên ngành từ Chính phủ và các bộ, ngành. Qua đó thống nhất quy trình xét nghiệm, kiểm tra tại các chốt kiểm dịch, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp và làm ách tắc, tạo ra khan hiếm hàng hóa.
Ví dụ, các địa phương có thể bố trí điểm lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả ngay tại các chốt hay ở cửa ngõ của các tỉnh, TP. Từ đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ tài xế, tránh xảy ra ùn ứ hàng hóa tại các chốt kiểm dịch.
Bộ Công Thương cho biết đã đề nghị ban phòng chống dịch các địa phương ưu tiên, tạo điều kiện tối đa trong lưu thông, tiêu thụ nông sản và ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng như tài xế, người trực tiếp bán hàng.
Xe bán hàng lưu động dừng tại điểm bán ở phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, giá cả nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng trong thời điểm dịch bệnh có nguy cơ kéo theo tình trạng nhiều mặt hàng “té nước theo mưa” để tăng giá vào nửa cuối năm nay. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân mà tác động tiêu cực đến nền kinh tế, lạm phát tăng cao.
Vị chuyên gia này nhận xét hiện nay, khâu phân phối bán lẻ chưa được tổ chức tốt, dẫn đến giá cả hàng hóa cung ứng không tương xứng với nhu cầu tăng cao của người dân. Vì vậy các đơn vị bán lẻ có thể phối hợp với đơn vị vận chuyển, chính quyền để tổ chức thật tốt việc bán hàng lưu động và online, đơn đặt hàng theo hộ gia đình, trong vòng vài tiếng có thể giao tới nơi.
“Chẳng hạn, siêu thị hay cửa hàng thực phẩm ở khu vực nào thì phụ trách nhu cầu thực phẩm thiết yếu khu vực đó. Chỉ cần đặt hàng theo đơn hàng hộ gia đình thì siêu thị giao tới nơi, người dân không phải ra đường” - ông Thịnh gợi ý.
Ngăn chặn tình trạng đầu cơ hàng thiết yếu Một số siêu thị trên địa bàn TP.HCM cho biết trong mấy ngày qua xảy ra hiện tượng một số người mua hàng với số lượng nhiều, nhất là lương thực, thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị rồi đưa ra ngoài bán lại với giá cao. Điều này làm ảnh hưởng đến thị trường, giá cả trên địa bàn TP. Để ngăn chặn các hành vi trên và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, ngày 14-7, Cục Quản lý thị trường TP.HCM có công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động và phối hợp với lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý các hành vi nêu trên. Đồng thời thông tin, niêm yết số điện thoại đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường TP.HCM là 1900888655 tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống và một số điểm công cộng để kịp thời tiếp nhận thông tin, xử lý theo quy định. Tổ chức hàng trăm điểm bán hàng lưu động Hiện nay, nhiều điểm bán hàng lưu động đã được thiết lập trên địa bàn TP.HCM. Chẳng hạn, bốn xe bán hàng lưu động của AEON Việt Nam đã đưa 40 mặt hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm thiết yếu đến tay người dân tại bốn điểm thuộc ba quận: 3, Tân Bình, Bình Thạnh. B’smart đã triển khai điểm bán hàng lưu động tại khu phố 3, đường Mai Chí Thọ, phường An Phú, TP Thủ Đức. Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò phối hợp với Bộ Công Thương tham gia chương trình “Thực phẩm bình ổn lưu động” tại 34 điểm bưu cục trên toàn TP.HCM. Sở Công Thương cho hay đang đẩy nhanh tiến độ mở các điểm bán hàng lưu động, cũng như có nhiều giải pháp để mở rộng kênh phân phối phục vụ người dân. Đến nay đã mở được 153 điểm bán hàng lưu động. Các điểm bình ổn lưu động bán giá thấp hơn hoặc bằng giá bán theo quy định của Sở Công Thương TP.HCM. |