Kremlin ra cảnh báo về quan hệ Nga-Mỹ

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Rossiya 1 mới đây, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin - ông Dmitry Peskov đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng quan hệ ngoại giao Nga - Mỹ xuống cấp nghiêm trọng, đài RT ngày 12-7 đưa tin.

"Quan hệ hai nước đang ở đang ở điểm gần như thấp nhất. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến khả năng Nga và Mỹ thực thi các trách nhiệm của mình trong giải quyết một loạt các vấn đề đa phương như kiểm soát vũ khí hay bảo toàn thế ổn định chiến lược" - ông Peskov chia sẻ. 

Thư ký báo chí Dmitry Peskov (trái) trao đổi với Tổng thống Vladimir Putin trong một cuộc họp báo ở Điện Kremlin vào tháng 2. Ảnh: TASS

Ngoài ra, quan chức này cũng cho rằng do Nga và Mỹ ít tổ chức tiếp xúc và trao đổi ở cấp độ chuyên gia khiến lãnh đạo hai bên không ý thức được tầm quan trọng của việc giữ vững các cam kết thúc đẩy mục tiêu kiểm soát vũ khí hiệu quả trên quy mô toàn cầu.

Việc Mỹ và Nga cùng lúc rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019 là một ví dụ điển hình. 

"Đây là một điểm rất đáng quan ngại do không nước nào trên thế giới có kho vũ khí có thể so sánh với hai nước Nga và Mỹ, tính luôn cả Trung Quốc - nước mà Washington liên tục mời tham gia đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên" - Thư ký báo chí Dmitry Peskov nói. 

Những bình luận trên được ông Peskov đưa ra trong bối cảnh giới chức Moscow và Washington tháng qua đã tiến hành nhiều đợt đối thoại tích cực nhằm về vấn đề gia hạn Hiệp ước Cắt giảm và Hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). Hiệp ước được ký kết năm 2010 và dự kiến hết hạn vào tháng 2-2021.

Nội dung của New START quy định Mỹ và Nga phải cắt giảm 50% số đầu đạn hạt nhân chiến lược hiện có và hạn chế mỗi bên chỉ được triển khai tối đa 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa gồm tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm và từ máy bay ném bom hạng nặng.

Về quan điểm của các bên, Moscow nhiều lần bày tỏ mong muốn gia hạn New START, nhấn mạnh đây là văn kiện pháp lý duy nhất đủ khả năng kiểm soát năng lực hạt nhân của hai bên. Trong khi đó, Washington lại có phần lưỡng lự hơn vì lo ngại nếu tự bó buộc mình với New START với Nga thì sẽ không đủ khả năng đối phó với Trung Quốc.

Do đó, Mỹ nhiều lần đề xuất và kêu gọi Trung Quốc cùng tham gia đàm phán thoả thuận kiểm soát vũ khí ba bên dù Bắc Kinh liên tục từ chối, nêu rõ kho vũ khí hạt nhân của mình chỉ sử dụng để phòng vệ chính đáng.   

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm