Những kiến trúc sư tiền bối của Sài Gòn - Bài 3

KTS châu Á duy nhất đoạt giải Khôi nguyên La Mã

Có rất nhiều bài báo viết về kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Thụ nên bài viết này chỉ kể lại vài câu chuyện ít người biết, được chính ông kể cho tôi khi còn sống vào hơn 20 năm trước. Tôi vẫn còn nhớ rõ ông đã mặc một chiếc áo dài xanh khi tiếp tôi, một sự trọng thị hiếm có của bậc tiền bối đối với kẻ hậu sinh…

Đường đến giải Khôi nguyên La Mã

Khi còn là sinh viên kiến trúc Paris, ông Ngô Viết Thụ đã đoạt giải Paul Bigot do Viện Hàn lâm tổ chức. Nhờ đó, năm 1955 ông được ưu tiên mời tham dự giải Khôi nguyên La Mã mà không phải thi vòng loại sơ tuyển, chỉ dự thi ở ba vòng trong. Đây là một cuộc thi danh giá nên phải ganh đua với hàng trăm thí sinh xuất sắc của Âu châu. Cuối cùng, cuộc thi chỉ còn có 10 người vào chung kết. Đề thi cuối cùng là phác họa một ngôi thánh đường trên hòn đảo nhỏ vùng Địa Trung Hải.

Ông đã miệt mài vẽ cho đến khi chỉ còn một tuần nữa hết hạn thì chợt nhận ra mình đã mắc sai lầm khi chọn phương án thiết kế theo phong cách cổ điển. Ông quyết định mạo hiểm khi xé bỏ bản thảo để vẽ lại toàn bộ phương án theo phong cách hiện đại và tư duy mới mang tính đột phá, mặc dù thời gian không còn bao nhiêu nữa.

Vậy mà cuối cùng ông đã kịp hoàn thành đúng thời hạn. Bài thi được hội đồng chấm thi đánh giá cao nhưng họ chất vấn ông về một lỗi nhỏ do không theo quy tắc: Đó là ngôi thánh đường mà ông thiết kế không nằm xoay mặt về hướng Đông, hướng về Jerusalem như thông lệ, mà lại hướng theo dòng nước. Ông giải thích ngay đó là trọng tâm tư duy đột phá mà ông muốn thể hiện qua thiết kế. Ông cho là giáo đường phải hướng về phía phù hợp nhất để trở thành một thiết kế tốt, hơn là buộc phải nhìn về hướng Jerusalem theo thông lệ xưa cổ, dựa trên giáo lý Ki-tô giáo rằng Thiên Chúa hiện hữu ở khắp mọi nơi chứ không chỉ hiện hữu tại thánh địa Jerusalem.

Sau khi ông giải thích, hội đồng giám khảo cười. Rồi ông nhận được kết quả đã đoạt giải với 28 phiếu thuận của hội đồng, trừ một phiếu nghịch. Ngày hôm sau báo chí Pháp loan tin: Một người Việt Nam đoạt giải Khôi nguyên La Mã với số phiếu tuyệt đối 28/29.

Tại sao ông chỉ nhận được có 28 phiếu mà họ lại nói ông đạt phiếu tuyệt đối? Là do báo chí Pháp rất nhạy bén, họ điều tra biết được trong 29 thành viên ban giám khảo thì một vị có học trò ruột cùng tranh giải với ông Thụ nên đương nhiên ông này sẽ không bao giờ chấm cho ai khác ngoài học trò của mình. Lá phiếu bị thiếu của ông Thụ chính là do ông giám khảo kia không bỏ, thành ra báo chí Pháp vẫn cho rằng ông Thụ xem như đạt điểm tuyệt đối là vì vậy.

Khi kết quả được công bố, đám đông bạn học của ông Thụ, phần lớn là người Pháp, đã công kênh ông lên vai diễu đi suốt khu phố ĐH Latin của Paris. Đây không chỉ là một hành động chúc mừng cuồng nhiệt mà còn là hình ảnh mang tính biểu tượng đặc biệt. Vào thời điểm đó, Pháp đã rút khỏi Việt Nam, dẫu vậy nỗi nhục của người dân bị mất nước, bị thực dân Pháp “đè đầu cưỡi cổ” gần 100 năm vẫn còn in đậm trong tâm trí người Việt. Thành ra hình ảnh ông Thụ ngồi trên vai các bạn học người Pháp về khía cạnh nào đó cũng tạo nên một sự tự hào dân tộc hết sức lớn lao, vượt hơn cả đoạt một giải thưởng mang tầm vóc quốc tế.

KTS Ngô Viết Thụ được bạn bè công kênh lên vai diễu hành. Ảnh do gia đình cung cấp

Một đời thờ vợ nuôi con

KTS Ngô Viết Thụ nói với tôi rằng người Việt thường nói thờ chồng nuôi con, còn ông thờ vợ nuôi con: “Tôi mang ơn vợ tôi rất nhiều, nếu không có vợ tôi, tôi không bao giờ được như ngày hôm nay”.

Ngày chàng trai học trò nghèo xứ Huế đến Đà Lạt, người đầu tiên Ngô Viết Thụ nói chuyện để hỏi thăm đường đến Trường CĐ Kiến trúc Đà Lạt nhập học là cô gái Võ Thị Cơ, giống như là mối duyên tiền định.

Nhưng rồi số phận đã sắp đặt cho họ gặp lại nhau. Bà là con gia đình khá giả, cha của bà muốn tìm một sinh viên để dạy thêm cho bà và mấy người em trong nhà nên nhờ người giới thiệu một chàng sinh viên học giỏi và có tư cách đạo đức tốt để làm gia sư. Tình cờ sao đó gia sư lại chính là ông Ngô Viết Thụ.

Gặp lại nhau, sau một thời gian dài cả hai người đã đi từ mối quan hệ thầy-trò tới quan hệ anh-em, rồi cho đến một ngày ông nhận ra bà mới chính là người tri kỷ của đời mình và họ làm đám cưới.

Vào lúc đó, Trường CĐ Kiến trúc Đà Lạt được chuyển về Sài Gòn. Các sinh viên có thể chọn chuyển về Sài Gòn hoặc sang Pháp học tiếp. Nhận thấy ông Ngô Viết Thụ rất có tài, gia đình của bà quyết định giúp ông sang Pháp du học để mở mang thêm kiến thức và phát triển tài năng. Nhưng sợ ông mặc cảm phận nghèo phải nương tựa nhờ vả gia đình vợ nên bà quyết định nghỉ học giúp cha mẹ kinh doanh buôn bán để ông yên tâm chỉ chịu ơn mỗi mình vợ mà thôi. Những ngày ở Pháp, ông miệt mài vùi đầu vào học, không ham chơi hay nhìn ngó tới các cô đầm vốn rất để ý tới chàng sinh viên người Việt cao lớn, đẹp trai nhưng lại sống khép mình với phụ nữ.

Sau khi ông đoạt giải Khôi nguyên La Mã và kết thúc thời gian sống, làm việc ở cung điện Medicis tại Rome theo học bổng của giải thưởng, rất nhiều văn phòng KTS danh tiếng ở Pháp, Ý và một số nước khác đã đánh tiếng mời ông về làm việc với mức lương hậu hĩnh. Tương lai rộng mở, ông có thể cùng vợ con định cư tại châu Âu để chung sống và tạo dựng sự nghiệp, tên tuổi.

Trong lúc đó, Tổng thống Ngô Đình Diệm gửi GS Bửu Hội sang mời ông về làm việc giúp nước. Trước khi sang Pháp, ông Bửu Hội đến thăm cha của ông là cụ Ngô Viết Quang và mang giúp quà của cụ gửi cho ông là ba trái xoài cùng một bài thơ mang tên Cá gáy hóa long, đại ý chúc mừng ông công thành danh toại nhưng khuyên ông không nên quên nguồn gốc và nên trở về giúp đất nước.

Sau khi đọc xong thư nhà, ông quyết định thu xếp cùng gia đình trở về Việt Nam luôn.

Chỉ trong vài năm, ông đóng góp thiết kế nhiều dự án quan trọng của quốc gia khiến đích thân Tổng thống Ngô Đình Diệm vào năm 1960 mời ông nhận chức bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đây là một chức vụ có quyền uy và rất “thơm” vì không chỉ điều hành việc xây dựng đất nước mà còn nắm cả bộ phận xổ số kiến thiết vốn là con gà đẻ trứng vàng lúc bấy giờ. Rất băn khoăn, ông hỏi ý kiến vợ, bà khuyên ông không nên nhận vì bản thân ông vốn là con người nghệ sĩ, sáng tạo chứ không phải một chính khách. Ra nhận chức vụ lớn, trách nhiệm cao, phải học hỏi cung cách làm chính trị sẽ ảnh hưởng nhiều đến nghề nghiệp mà “quan nhất thời, dân vạn đại”, theo thời cuộc có thể lên cũng có thể xuống, sẽ có va chạm, xung đột quyền lực chốn quan trường… Thấy vợ nói cũng hợp với ý mình nên ông đã từ chối, chỉ nhận làm cố vấn và giữ chức trưởng văn phòng tư vấn kiến trúc và chỉnh trang lãnh thổ cho phủ tổng thống. Từ đó, Việt Nam Cộng hòa không còn Bộ Xây dựng nữa, việc quy hoạch của toàn miền Nam Việt Nam cho đến năm 1975 chủ yếu do hai văn phòng thực hiện là văn phòng ông Thụ nghiên cứu chiến lược và Tổng nha Kiến Thiết nghiên cứu thực hiện.

Sau năm 1975, cuộc sống khó khăn, một mình bà cố gắng xoay xở nuôi gia đình hơn 10 người (hai ông bà có tám người con, đặt tên theo một bài thơ của ông nội tặng là Thụ, Tỷ, Bảo, Nam, Sơn, Đào Vân, Châu, Lan) để ông yên tâm cống hiến cho đất nước. Vì phải lo lắng nhiều, lại thêm có bệnh nên bà mất sớm vào năm 1977. Ông rất đau khổ vì sự ra đi đột ngột của bà, dù lúc đó ông chỉ mới 51 tuổi và nhiều bạn bè có ý mai mối người thân cho ông để có người bầu bạn nhưng ông vẫn không tục huyền và ở vậy cho đến lúc mất vào năm 2000.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới