Ngày 23-6, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch- Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, cho biết hiện nay ban đang quản lý hơn 359 ha cao su vô chủ, chưa xác định được đơn vị nào là chủ của diện tích này.
Theo ông Vũ, sự việc kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa có kết luận, chưa có hướng xử lý cụ thể, ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch.
Trước đó, năm 2019, Thanh tra tỉnh Gia Lai kết luận hơn 359 ha bị một số doanh nghiệp chặt phá, chiếm đất để trồng cây cao su. Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra, xử lý.
Năm 2021, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định chủ nhân của 359 ha cao su lấn chiếm, trồng trái phép trên đất rừng. Đến nay vẫn chưa có đơn vị, tổ chức nào đứng ra nhận do sợ trách nhiệm. Hiện nay diện tích cao su này vẫn được chăm sóc, khai thác mủ bình thường.
"Chúng tôi rất mong cơ quan thẩm quyền sớm có kết luận, có hướng xử lý đối với diện tích cao su vô chủ này để trồng lại rừng hoặc bóc tách ra khỏi diện tích cần được bảo vệ”- ông Vũ nói.
Trao đổi với PLO, một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai xác nhận toàn bộ hồ sơ liên quan diện tích 359 ha cao su vô chủ trên đã giao cho cơ quan công an.
Hai cựu trưởng ban, một giám đốc bị truy tố
Năm 2019, sau khi Thanh tra tỉnh Gia Lai kết luận Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch để mất hơn 1.200 ha rừng, Công an tỉnh Gia Lai quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hai cựu trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch là Nguyễn Thị Hương và Phan Quốc Huy về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tháng 11-2021, TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt hai cựu trưởng ban trên mỗi người ba năm tù.
Liên quan mất rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, năm 2016, Tòa án Quân sự Quân khu 5 tại Đà Nẵng đã tuyên phạt Trần Văn Khanh, cựu Giám đốc Công ty Bình Dương thuộc Bình Đoàn 15 sáu năm tù về tội hủy hoại rừng.
Trong quá trình thực hiện dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su từ năm 2010-2012, ông Khanh cho khai hoang rừng ngoài vùng dự án được UBND tỉnh Gia Lai cho thuê hơn 589 ha, gây thiệt hại gần 19 tỉ đồng.