Ông bảo: “Đó có lẽ là một sự kiện nóng nhất của năm nay. Mặc dù chưa được Quốc hội chấp thuận nhưng chúng tôi không buồn mà thấy nhiều cái được. Đó là sự quan tâm của toàn xã hội với đường sắt. Khi chúng tôi trình ra Quốc hội là chỉ xin chấp thuận về chủ trương đầu tư, nội dung chúng tôi yêu cầu sâu là sự cần thiết phải đầu tư, chưa cụ thể vốn, chưa cụ thể về nguồn, càng chưa nói tới chuyện hoàn trả vốn vay... nhưng nhiều câu hỏi lại xoáy sâu vào những vấn đề quá chi tiết, chúng tôi chưa thể trả lời được”.
Chuyện toàn xã hội quan tâm tới ngành đường sắt thì tất nhiên rồi, nhất là ở một nước mà cơ sở hạ tầng giao thông còn kém như Việt Nam. Sự quan tâm đó ngành đường sắt chẳng cần phải thực hiện một “phép thử” mới có thể biết được. Còn về chuyện “nhiều câu hỏi lại xoáy sâu vào những vấn đề quá chi tiết” khiến ĐSVN chưa thể trả lời được thì rõ ràng với một đại dự án tiêu tốn GDP như thế, các bên liên quan đều phải tính toán kỹ càng, từ tổng thể tới chi tiết. Không thể nào xin Quốc hội cứ chấp thuận chủ trương đi rồi sẽ báo cáo chi tiết sau được.
Đáng chú ý hơn cả là nguyện vọng của ngành đường sắt, như phát biểu của ông Nguyễn Hữu Bằng: “Chúng tôi luôn xác định phải đi tắt đón đầu, phải làm một tuyến đường sắt hiện đại ngang bằng thế giới”. Ước nguyện thì bao giờ cũng đẹp, vấn đề chỉ là tính khả thi và sự phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Ngành ĐSVN, cho tới giờ phút này, chưa bao giờ ghi dấu ấn với người tiêu dùng về chất lượng phục vụ. Nói một cách khe khắt, ĐSVN đã và đang ở giai đoạn hành khách còn… đi vệ sinh thẳng ra đường ray (lưu ý: đường ray khổ 1,2 m) lại muốn “đi tắt đón đầu” một bước lên thẳng đường sắt cao tốc ư? Như thế gọi là “đại nhảy vọt” hay là “nhảy vọt đại”.