Những ngày vừa qua, giới văn học nghệ thuật lại có thêm một sự kiện đáng bàn khi vở kịchLàm… của đạo diễn kịch Hồng Vân được ra mắt. Sẽ không có gì gây tranh cãi nếu Làm… không phải được nhà biên kịch đình đám Chu Thơm phóng tác từ tác phẩm có một không hai Làm đĩ của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Với lý do “ngại mang tiếng PR rẻ tiền cho vở kịch trong giai đoạn nhạy cảm với liên tiếp các sự kiện người mẫu bán dâm diễn ra” nên đến phút chót trước khi diễn phúc khảo, Làm đĩ đã phải đổi tên thành Làm… để bảo toàn giá trị vở kịch. Tuy nhiên, sự việc đã gây phản ứng dữ dội từ phía gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng, trở thành “sự lố bịch và xúc phạm đối với nhà văn và tác phẩm” như lời một nhà viết kịch khác đã từng thành công với nhiều tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được chuyển thể sang thành các vở diễn như Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây,….
Để tránh nhạy cảm hoặc có thể vì một lý do nào đó, đạo diễn Hồng Vân đã chọn giải pháp an toàn. Nhưng nếu thay ba chấm vào Làm…, tác phẩm sẽ thật sự trở thành cục sạn to tướng đối với người đọc và người xem, và cũng trở thành một tên tác phẩm kỳ dị nhất từ trước đến nay của văn học và kịch nghệ.
Nói đến nhạy cảm, không chỉ có lĩnh vực nghệ thuật, mà ngay cả báo chí nước ta cũng đang đối mặt với quá nhiều những vấn đề nhạy cảm của xã hội. Mỗi ngày, trên hàng trăm tờ báo và trang tin, tin tức được đưa lên với hàng loạt những vụ án mạng mà nạn nhân là cha, mẹ, là vợ, chồng của hung thủ; hàng loạt những vụ xâm hại tình dục trẻ em mà những con yêu râu xanh là những người đường đường xuất thân từ những ngành nghề cao quý trong xã hội; hàng loạt những quan chức tham ô được khui ra sau từng vụ tham nhũng; và nhạy cảm hơn hết vào lúc này là những cuộc tranh luận nên hay không nên đưa ra ánh sáng những người mua dâm dính líu đường dây bán dâm của các hoa hậu, người mẫu. Với người Việt Nam, điều gì chạm đến vấn đề đạo đức sẽ là nhạy cảm. Và bằng cách này hay cách khác, vấn đề nhạy cảm sẽ được tránh né hoặc nói khác đi, hoặc bằng cách sử dụng dấu ba chấm như đạo diễn Hồng Vân đã làm.
Có lẽ nhà văn Vũ Trọng Phụng khi đặt tên Làm đĩ cho tác phẩm của mình hẳn cũng đã phải trăn trở nhiều với hiện thực của xã hội mà ông đang sống, để rồi cuốn tiểu thuyết của ông trở thành một giá trị vô tiền khóa hậu trong lịch sử văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20. Chua chát thay,Làm đĩlại có giá trị thời sự trong mọi thời đại. Nó như một khối u nhức nhối chứ không phải chỉ đơn thuần là vấn đề nhạy cảm theo cách nhiều người nghĩ. Cho nên giá trị văn học nghệ thuật củaLàm đĩ lại được chính những hiện thực xã hội nuôi sống một cách dồi dào sinh lực nhất.
Làm đĩ hay Làm… nếu không vi phạm bản quyền và gây nhiều bức xúc cho gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng thì cũng đều là những tác phẩm nghệ thuật phản ánh hiện thực xã hội như nhau. Có điều, việc xóa đi cái hiện thực đó và thay bằng dấu ba chấm thì e rằng câu chuyện xã hội lại càng thêm nặng nề hơn, những “nhạy cảm” cũng không vì thế mà bớt đi nhạy cảm.
QUANG THÀNH