“Tôi luôn nhắc con, làm gì thì làm nhưng phải có “sổ hưu” để cuối đời không phải “ăn bám” ai…”, bà Nguyễn Thị Hội ở xã Phú Phong, Hương Khê (Hà Tĩnh) kể khi nhắc đến hành trình đóng BHXH may mắn so với bạn bè cùng trang lứa.
“Tiền mình mình tiêu”
Vốn là một công nhân nông trường, nhưng sau đó nông trường giải thể, bà Hội và nhiều người về với ruộng vườn. Lúc nghỉ việc, hầu hết mọi người đều đóng BHXH bắt buộc 10-12 năm. Nhưng do cuộc sống khó khăn, nhiều người chọn hưởng BHXH một lần để trang trải cuộc sống và có chút vốn làm ăn.
Bà Hội nghĩ bụng nhà được một đứa con gái, lớn lên về nhà chồng, tuổi cao sức yếu biết làm gì sống. Cuối cùng, bà vào TP.HCM làm thêm và gửi tiền về cho gia đình vừa để trang trải cuộc sống vừa để tham gia BHXH.
Gia đình ông Dương Văn Khương và bà Nông Thị Ngoan cảm thấy may mắn khi vượt qua khó khăn để tuổi già được an nhàn.
“Nhiều năm trôi qua giờ tôi đã có lương hưu. Trong khi đó một số đồng nghiệp xưa nhận BHXH một lần vẫn cơ cực. Có người gần 70 tuổi vẫn phải làm đủ nghề kiếm sống vì con cái đều đã lập gia đình và không mấy khá giả… Riêng tôi chỉ chăm mấy đàn gà rồi đến tháng nhận lương hưu. Giờ ngồi lại mấy người bảo lúc đấy nếu nghe tôi chắc giờ ai cũng có hưu và không cơ cực lúc về già như thế này’, bà Hội chia sẻ.
Tương tự, ông Dương Văn Khương, ngụ Cao Lộc (Lạng Sơn), cho biết năm 1995 ông làm việc tại UBND thị trấn Cao Lộc và có tham gia BHXH bắt buộc. Đến năm 2004 ông nghỉ việc, đi dạy học ở một trường nghề thêm 2- 3 năm. Thời điểm trên, ông tham gia BHXH bắt buộc hơn 12 năm.
“Lúc đó, tôi có ý định hưởng BHXH một lần để kiếm ít vốn làm ăn. Nhưng may có vợ can ngăn nên tôi chốt sổ để lại. Năm 2008, tìm hiểu về chế độ BHXH tự nguyện, tôi đã đăng ký tham gia cộng nối vào thời gian tham gia BHXH bắt buộc trước đó. Đến tháng 10-2018, tôi đã có sổ hưu, được cấp thẻ BHYT. Nhớ lại tôi thấy mình thật may mắn”, ông Khương nói.
Bà Nông Thị Ngoan (63 tuổi vợ ông Khương), chia sẻ: “Lúc ông ấy nghỉ việc gia đình cũng khó khăn nên tôi đắn đo, cân nhắc việc hưởng BHXH một lần lắm. Nhưng nghĩ tiếc 12 năm công tác đóng BHXH và nhất là từ kinh nghiệm bản thân tôi khuyên chồng không nên lĩnh một lần. Vì vậy, đến tháng 10-2018, ông nhà tôi đã được nhận lương hưu hằng tháng với số tiền 1,8 triệu đồng và thẻ BHYT để khám chữa bệnh”.
Kinh nghiệm mà bà Ngoan nhắc đến ở trên đó là thời trẻ bà tham gia bộ đội, rồi chuyển qua làm ngành thương nghiệp của tỉnh. Đến năm 1993, bà nghỉ việc sau hơn 15 năm công tác và nhận chế độ 1 lần với số tiền gần 700.000 đồng. Tiền đó giúp bà làm được một số việc nhưng cũng chẳng được bao lâu vì bà không còn thu nhập, chế độ gì.
“Phải quyết tâm hậu vận mới an nhàn”
Theo bà Ngoan, số tiền lương hưu của chồng tuy không quá nhiều nhưng sổ hưu mang lại cho ông bà là tâm lý tự tin, yên tâm: “Con cái đứa nào cũng có cuộc sống riêng, mặc dù chúng đều thương yêu, chăm sóc tận tình cho cha, mẹ nhưng bản thân mình chủ động được phần nào thì đỡ cho con phần ấy. Với tấm thẻ BHYT, mỗi tháng ông ấy có điều kiện đi khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bản thân tốt hơn, không lo là gánh nặng cho con cái…”, bà Ngoan nói.
Anh Hoàng Văn Điểu, 41 tuổi, huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn), cho biết sau hơn 10 năm làm việc, năm 2014 công ty khó khăn, anh mất việc làm. Lúc đó anh đã tính đến chuyện hưởng BHXH một lần.
Nghĩ tới chuyện lâu dài, anh Hoàng Văn Điểu và quyết tâm tham gia BHXH tự nguyện.
“Tôi đã đến BHXH huyện để tìm hiểu và được biết số tiền lĩnh một lần khoảng 30- 40 triệu đồng. Đó là một số tiền lớn với tôi lúc đó. Tuy nhiên, cán bộ BHXH cũng khuyên cân nhắc vì thời gian tham gia BHXH của tôi dài, chỉ cần tôi tham gia BHXH tự nguyện một thời gian nữa là có thể nhận lương hưu. Tham khảo thêm ý kiến của người thân và tự tính toán, tôi quyết định tham gia BHXH tự nguyện”, anh Điểu cho hay.
Với quyết định đó, từ năm 2014 đến nay, anh Điểu làm đủ nghề như phụ hồ, bốc vác... với thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Trong đó, anh trích ra 586.000 đồng để tham gia BHXH tự nguyện, số tiền còn lại chi tiêu tằn tiện cùng vợ lo cho hai người con.
Anh chia sẻ: “Nhiều lúc muốn bỏ cuộc vì thu nhập bấp bênh quá. Có những tháng mưa nhiều, không có người thuê, kiếm đủ tiền ăn đã khó nhưng nghĩ lại mục đích ban đầu tôi lại cố gắng. Kiên trì đến hôm nay, tôi thấy mình may mắn, vì nhiều người nghỉ việc cùng thời với tôi, hưởng BHXH một lần giờ số tiền lĩnh cũng tiêu hết rồi. Tôi thì chỉ vài năm nữa có sổ hưu, một tấm thẻ BHYT để phòng khi ốm đau, bệnh tật… Phải quyết tâm như vậy mới mong hậu vận an nhàn...".
Hưởng BHXH nào hơn ? Một người lao động có 20 năm đóng BHXH, mức bình quân tiền lương đóng BHXH là 4 triệu đồng/tháng và kỳ vọng sống của người lao động tính từ lúc nghỉ hưu trung bình 18,5 năm đối với nam và 24,5 đối với nữ. Nếu nhận BHXH một lần được 124 triệu đồng (đối với nam và nữ), nhưng nếu để nhận lương hưu hàng tháng thì nam giới nhận được khoảng 516 triệu đồng và 757 triệu đồng đối với nữ. |