Ngày 11-10, tại phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023.
Bộ trưởng tiếp dân “chưa đạt yêu cầu”
Báo cáo của Chính phủ cho thấy công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, đạt kết quả tích cực. Cụ thể, trong năm đã giải quyết kịp thời theo quy định với gần 82% các vụ việc khiếu nại, hơn 86% các vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.
So với năm 2022, số lượt, số người, số vụ việc và số đoàn đông người năm nay tăng mạnh (tăng 37,5% về số lượt, gần 42% về số người và hơn 33% về số vụ việc). Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương vẫn bảo đảm thực hiện tốt công tác tiếp công dân.
Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác tiếp công dân năm 2023. Tuy nhiên, thường trực cơ quan thẩm tra lưu ý việc công dân trực tiếp đến các bộ, ngành để KNTC, kiến nghị, phản ánh tăng mạnh so với ở địa phương. Số lượng đoàn đông người ở các bộ, ngành tăng gần 269% cho thấy tình hình công dân khiếu kiện lên các cơ quan ở trung ương năm 2023 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để có giải pháp phù hợp xử lý, khắc phục” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói.
Cũng theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, việc chấp hành quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của chủ tịch UBND cấp tỉnh có chuyển biến tích cực (đạt 79%), cao hơn 2% so với năm 2022 và cao hơn 23% so với bình quân năm năm giai đoạn 2016-2021.
Tuy nhiên, việc thực hiện quy định về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa đạt yêu cầu, chỉ đạt 45% và cũng mới chỉ đạt 92% số ngày tiếp theo quy định.
“Đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ lý do của việc bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp ít, ủy quyền nhiều” - ông Tùng nêu.
Mặt khác, báo cáo của Chính phủ đã gộp số ngày thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp trực tiếp tiếp công dân với số ngày ủy quyền cho cấp phó tiếp để đánh giá về việc chấp hành quy định của pháp luật về số ngày tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan. Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, việc này chưa bảo đảm đúng theo quy định của Luật Tiếp công dân, chưa phản ánh chính xác trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc trực tiếp tiếp công dân.
Hiện số ngày trực tiếp tiếp dân của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ mới chỉ đạt 92% theo quy định.
Công khai địa chỉ cá nhân, cơ quan chưa trực tiếp tiếp dân
Nêu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ và công khai thông tin các đơn vị nào người đứng đầu không trực tiếp tiếp công dân, kể cả cấp tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng các ngành; đồng thời công khai báo cáo QH. “Nếu chúng ta có địa chỉ, công khai thì tình hình năm sau sẽ chuyển biến tích cực” - bà Nga nêu quan điểm.
Phó Chủ tịch thường trực QH Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị bổ sung rõ địa chỉ cá nhân, cơ quan, đơn vị chưa trực tiếp tiếp công dân để xác định trách nhiệm, có chế tài xử lý thích hợp. Từ đó giúp công tác này ở các đơn vị, địa phương có chuyển biến.
Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường cho rằng nhiều người đứng đầu địa phương thực tế đúng là rất bận nhưng cũng không thể không dành thời gian tiếp công dân theo quy định. Qua tiếp xúc cử tri ở các địa phương, ông nhận được nhiều phản ánh về việc bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh chưa thực sự quan tâm đến việc tiếp công dân.
“Theo quy định, mỗi tháng người đứng đầu cấp ủy tiếp công dân một lần nhưng không nhiều địa phương bảo đảm việc này. Chủ tịch UBND tỉnh cũng vậy, chủ yếu là giao cấp phó làm thay” - ông Cường nói.
Tổng thư ký QH cho rằng đề xuất công khai bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân không bảo đảm quy định thì tốt nhưng cũng rất nhạy cảm, tế nhị. Thay vào đó, ông đề xuất cần có quy định buộc các đơn vị giải trình, từ đó để họ phải thay đổi, quan tâm hơn đến việc tiếp công dân.•
Hơn 1.000 vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài
Báo cáo Chính phủ cho hay vừa qua Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành chức năng và các địa phương kiểm tra, rà soát các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài, vụ việc khiếu kiện đông người tại các cơ quan trung ương.
Qua đó đã lập danh sách đối với 1.003 vụ việc, đồng thời hoàn thành việc nhập dữ liệu số vụ việc này vào cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC để các bộ, ngành, địa phương cập nhật, khai thác, sử dụng.
“Theo báo cáo các địa phương, Thanh tra Chính phủ tổng hợp và đã rà soát, giải quyết 856/1.003 vụ việc, tương ứng hơn 85%” - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết.
Tại phiên họp, tổng Thanh tra Chính phủ cũng dành thời gian giải trình thêm về nguyên nhân chủ yếu khiến KNTC năm 2023 tăng so với năm 2022. Theo ông, nguyên nhân đầu tiên do năm 2022 có thời gian thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 nên số lượng người dân đến trụ sở cơ quan hành chính nhà nước để KNTC ít hơn năm 2023.
Ngoài ra, từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 đến nay, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên một số lĩnh vực như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư bất động sản, môi trường, bảo hiểm… có nhiều khó khăn, bất cập, thậm chí có tình trạng “đổ vỡ”, điều này làm phát sinh thêm KNTC.