Làm sao xóa sổ vĩnh viễn IS?

Sau những trận đánh đẫm máu làm rung chuyển châu Âu, mới đây nhất là đánh bom Indonesia (châu Á), đe dọa đánh sập cường quốc số một thế giới Mỹ, thậm chí tuyên bố lấn sân sang châu Phi... Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã thực sự tạo được nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân thế giới. Từ các chuyên gia hàng đầu quan hệ quốc tế đến một số “nhà tiên tri” nổi tiếng về các dự báo khủng bố cũng đều cho rằng châu Âu đang bị đe dọa đến mức có thể bị hủy diệt bởi những đội quân cờ đen đang rình rập và tìm cách thâu tóm lực lượng mọi lúc, mọi nơi. Không lẽ sẽ phải đầu hàng IS?

Không kích mạnh đến mấy cũng không đủ

Sự lấn sân và truy quét IS tại Syria lẫn Iraq càng khiến đội quân khủng bố ra tay tàn độc, điên cuồng và quyết liệt tại nhiều quốc gia và châu lục khác nhau: Một mặt để trả thù, một mặt để mở rộng vùng ảnh hưởng mới, đồng thời khuếch trương thanh thế nhằm đe dọa và thu hút thêm các chiến binh thánh chiến trong bối cảnh người theo đạo Hồi tập trung thành những cộng đồng lớn nhỏ khắp thế giới.

Thủ lĩnh IS Al-Baghdadi ngay trước thềm năm mới 2016, trước các cuộc tấn công như vũ bão từ liên minh của Mỹ - phương Tây và sau đó là Nga, thẳng thừng tuyên bố dẫu có bị “đánh hội đồng” thì lực lượng chiến đấu vì IS vẫn không thể yếu đi, ngay cả khi lực lượng chính quyền Iraq tái chiếm thành phố trọng yếu Ramadi, vốn được xem là sào huyệt quan trọng của phiến quân IS từ tháng 5-2015. Al-Baghdadi nhấn mạnh các nhóm thánh chiến IS tạm chấp nhận thất bại trước Iraq và Syria (có Mỹ hậu thuẫn) là để chuẩn bị cho sự trở lại mạnh bạo hơn. Các cuộc tấn công khủng bố do IS thực hiện rải rác từ đầu năm 2016 đến nay là những “câu trả lời”, dù chưa nghiêm trọng như những lần trước đó nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc phải xóa sổ IS càng sớm càng tốt trước khi mọi chuyện vượt ngoài tầm kiểm soát.

Trên trang project-syndicate.org, Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), cựu giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, có bài xã luận liên quan vấn đề làm sao tiêu diệt IS. Theo vị này, yếu tố quân sự đóng vai trò quan trọng. Rõ ràng các cuộc không kích của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu, cùng sự tham gia của chính quyền Putin đã khiến lực lượng IS hao tổn đáng kể, thậm chí có lúc lực lượng quân khủng bố phải bỏ của chạy lấy người. Tuy nhiên, đúng như Richard N. Haass nhận định, việc lạm dụng không kích - vốn rất hao tốn tiền của và sức lực, mà bỏ qua các trận đánh trên bộ thì việc tiêu diệt hoàn toàn IS cũng chỉ là ảo tưởng mà thôi. Chính Tổng thống Obama và các quan chức quốc phòng Mỹ cũng khẳng định rằng nếu chỉ đơn tuyến không kích thì không thể loại bỏ được hoàn toàn lực lượng IS. Thậm chí việc không kích càng trở nên bất khả thi khi IS tiến hành giam giữ và kéo theo tù binh đồn trú trong những “vị trí độc”, như các đập thủy điện khổng lồ ở Syria, tạo nên viễn cảnh “đại hồng thủy” khi bị tấn công khiến người Mỹ rơi vào thế “mèo nhìn chuột mà chẳng dám vồ”.


Hoàn thiện lực lượng tác chiến trên bộ là một trong những mũi tấn công chủ lực để đánh bại và duy trì chiến thắng trước IS. Ảnh: HUFFINGTONPOST

Đánh mạnh trên bộ, thiết lập lãnh đạo

Một nguyên tắc cơ bản để đẩy lùi IS triệt để là không kích đến đâu phải chiếm giữ lãnh thổ bằng các đội quân trên bộ đến đó. Nên nhớ rằng một trong những yếu tố giúp IS gia tăng sự ảnh hưởng nhanh chóng chính là chiến lược quân sự đánh nhanh thắng nhanh: Di chuyển thần tốc, tận dụng và khai thác điểm yếu của đối phương. Cách đánh này giúp IS dễ dàng chiếm lấy các kho vũ khí của Syria, Iraq; ăn cắp vũ khí hạng nặng của Nga và Mỹ, giúp IS gia tăng sức mạnh khủng khiếp.

Thế bộ binh của Iraq, Syria hay các nước Ả Rập đang ở đâu? Một phần, các cuộc nội chiến kéo dài tại Syria đã khiến chính quyền nước này mệt mỏi, suy giảm lực lượng. Mặt khác, đúng như Richard N. Haass nhận xét, các nhà nước Ả Rập không thể hoặc không sẵn sàng thành lập lực lượng tác chiến trên bộ, quân đội Iraq cũng thất bại, lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn càng tệ hại hơn, quân đội người Kurd và một số bộ lạc người Sunni ở cả Iraq và Syria dù chiến đấu hết mình nhưng chưa thể phát huy tối đa sức mạnh. Trong khi đó từ bên ngoài, Mỹ tỏ ra nhát tay và mệt mỏi với những cuộc chiến vùng Trung Đông. Chính quyền Obama do dự trong việc đưa quân đến Syria hay hỗ trợ Iraq đánh IS. Điều này ngay cả Al-Baghdadi cũng nhận thấy khi đưa ra bình luận “Mỹ và các đồng minh sẽ không dám đưa lực lượng bộ binh đến (chiến trường Iraq, Syria) để chống IS sau khi sa lầy trong các cuộc xung đột kéo dài tại Iraq và Afghanistan, đồng thời Al-Baghdadi thách thức Mỹ và đồng minh đưa quân đến Iraq và Syria tham chiến.

Như vậy có hai vấn đề quan trọng, một là cần củng cố và thiết lập sự lãnh đạo nhà nước vững chắc tại các chiến trường Iraq lẫn Syria - việc này sẽ phải cần đến các nước cờ ngoại giao liên quan đến Mỹ, phương Tây và không thể thiếu Nga lẫn Iran. Nếu chính quyền vững, khoảng trống quyền lực sẽ không còn tồn tại để IS có thể tận dụng như trước đây. Điều này đòi hỏi những nỗ lực rất lớn, quyết tâm cao độ của các nước Ả Rập - vốn đang bị chia rẽ sâu sắc nội bộ lẫn khu vực, phân tán lực lượng, thiếu khả năng chống IS.

Đồng thời không chỉ Mỹ và đồng minh mà thậm chí Nga cần phối hợp với người Kurd hợp thành lực lượng tác chiến trên bộ có không kích “hộ tống” đắc lực. Một bài xã luận trên tờ New York Times còn gợi ý thế giới phải tăng cường các hoạt động ngoại giao nhằm tạo ra mạng lưới chống IS toàn diện. Ví dụ như việc Pháp kêu gọi châu Âu giúp đỡ sau vụ tấn công “thứ Sáu ngày 13” tháng 11 năm ngoái; hay như Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua quyết định cho hỗ trợ lực lượng chống IS nếu Pháp cần; thậm chí NATO có thể đưa ra quyết định tấn công IS để bảo vệ thành viên theo quy định của Điều 5 trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Tất cả những gì lực lượng chống IS cần, như Richard N. Haass gợi ý, chính là thông tin tình báo, vũ khí, binh sĩ (hơn 3.500 lính Mỹ đã có mặt ở đây và có thể lên đến khoảng 10.000 lính) nhằm mục tiêu đào tạo, cố vấn và giúp chỉ đạo các chiến lược “lấy nhanh thắng nhanh” trước IS.

Phong tỏa tài chính, tấn công Internet

Một yếu tố quan trọng giúp IS duy trì hoạt động chính là nguồn tài chính. Thời gian qua, các cuộc không kích nhắm vào các “ngân hàng” của IS đang đi đúng hướng. Việc phá bỏ càng nhiều nguồn tiền của quân khủng bố đồng nghĩa việc thu hẹp khả năng kêu gọi, huy động, tập huấn lực lượng khủng bố mới. Các nguồn lực liên quan đến tài chính mà IS có thể tiếp cận, khai thác và sử dụng cần được ngăn chặn và phá hủy càng nhiều, càng nhanh, càng sớm thì việc chống hiệu ứng IS lan tỏa càng diễn ra hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần nhớ rằng khác với các nhóm khủng bố trước đây như al-Qaeda, IS tận dụng rất hiệu quả các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội và các công cụ Internet nhằm quảng bá, tuyển quân và thu hút tài trợ. Quan điểm cực đoan, sự răn đe với những tín đồ Hồi giáo “yếu bóng vía” của IS đều được Internet hậu thuẫn. Những đoạn video hành quyết tù binh, khuếch đại chiến thắng khiến nhiều tín đồ lũ lượt vác ba lô trốn sang nước ngoài, vượt biên trái phép để đầu quân cho IS vì tin rằng IS rất mạnh hoặc đơn giản chỉ vì quá sợ hãi - không theo IS là phản bội, đồng nghĩa với án tử bất kỳ lúc nào.

Những lời kể của những người từng theo đầu quân cho IS đều dẫn đến kết luận IS quả thật không phải là thiên đường thánh chiến, mà là địa ngục trần gian; không phải là nơi nuôi những giấc mơ cao cả từ thượng đế như được quảng bá trên mạng xã hội, mà là khổ cực và chết chóc vô nghĩa. Thế nên không phải chờ đợi đến ngày mai, mà ngay hôm nay cần có những giải pháp “chiến tranh mạng” nhằm xua tan nỗi sợ hãi trong lòng dư luận, đồng thời để người dân, đặc biệt thành phần Hồi giáo cực đoan hiểu đúng sức mạnh vốn đã bị thổi phồng lên gấp nhiều lần của IS, từ đó từ bỏ suy nghĩ về giấc mơ thánh chiến.

Cấm người tị nạn nhập cư là đầu hàng IS

Tờ New York Times bình luận rất khó khăn trong việc ngăn chặn bạo lực và những phần tử sẵn sàng tử vì đạo. Việc xóa sổ IS cũng như những nhóm khủng bố khác cần đến thời gian và nhiều chiến lược khác nhau. Tuy nhiên, nền tảng vẫn là giá trị của dân chủ, bao gồm cả sự di chuyển của con người và minh bạch thông tin. Việc cấm tất cả người tị nạn như một số nơi ở châu Âu hay Mỹ đề xuất không gì hơn là một hành động đầu hàng vừa thiếu hiệu quả, vừa yếu đuối và dẫn đến hệ lụy đáng sợ. Cần cải thiện an ninh nhập cư bằng các hình thức giám sát chặt chẽ và hiệu quả thay vì cấm cửa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm